Tọa lạc trên đường Chánh Hưng với không gian khá bề thế, chùa An Phú đón nhiều khách tham quan cả ngày thường lẫn ngày rằm. Chùa thuộc phái Bắc Tông, do Hòa thượng Thích Thanh Đức sáng lập từ thời vua Tự Đức mới lên ngôi, đã trải qua 6 đời trụ trì
Trùa An Phú. |
Tam quan chùa được xây dựng theo lối cổ lầu, sân trước có đài Di Lặc, đài Quan Âm, lầu Linh Sơn Thánh Mẫu, tháp Hòa thượng Thích Từ Bạch, cột phướn có hình chiếc thuyền rồng ghép sành, trên có tượng thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh và hai hòn giả sơn lớn có đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, Quan Thánh Đế Quân. |
Hệ thống mái vòm được thiết kế độc đáo. |
Từ năm 1961 đến năm 2004, hòa thượng Thích Từ Bạch đã trùng tu lại chùa và các bề mặt tường, cột được gắn những miếng sành sứ. |
Hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại được gắn trên diện tích 3.886 m2. Những người thợ đã dùng kìm cắt nhỏ khoảng 3.000 chén cùng một số các loại đĩa, tô, lọ hoa, bình và tách uống trà bằng sành, sứ bị sứt, mẻ rồi gắn lên tường. |
Theo Hòa thượng Thích Hiển Đức, các cây cột gắn mảnh sành mang màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng nhằm gửi gắm một triết lý nhân sinh. |
Chánh điện hình chữ nhật tượng trưng núi Tu Di, tầng trên có bốn pho tượng đức Phật Thích Ca lớn đặt ở trung tâm quay về bốn mặt. Tầng dưới, đặt thờ bốn pho tượng đức Phật Thích Ca như tầng trên, hai bên có tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, tiếp sau là sân lễ và tháp Dược Sư, sau cùng là bàn thờ Hòa thượng Thích Từ Bạch. |
Phần chánh điện có hai cây nến bằng sáp được công nhận kỷ lục lớn và nặng nhất Việt Nam năm 2005. |
Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chùa An Phú là ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam. |
Theo Nhật Anh (Vnexpress)