Số mẫu hạt hướng dương này do Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia lấy trên thị trường gần đây. Trong đó, một số mẫu có chứa nhôm tổng hợp nhưng hàm lượng thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép.
Theo Cục An toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu, kiểm tra loại hạt này trên diện rộng và lưu ý lấy mẫu tại địa bàn giáp biên giới để kiểm nghiệm.
Trước đó, một số trang báo điện tử đưa tin cơ quan chức năng thành phố Tô Châu, Triết Giang (Trung Quốc) phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chứa chất phèn nhôm và bột talc (bột talc là hóa chất dùng trong công nghiệp để chống dính khuôn). Phèn nhôm có thể giữ cho hạt hướng dương giòn và giữ được vị thơm ngon lâu hơn. Khi vào cơ thể nó rất khó bị đào thải ra ngoài, có thể gây tổn hại cho não, tế bào thần kinh khiến trí nhớ suy giảm… Trong khi đó, bột talc làm cho hạt nhẵn bóng, bắt mắt, nhưng chứa chất gây ung thư.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong sản xuất chế biến thực phẩm Bộ Y tế đã cho phép sử dụng bột talc cũng như hai loại phèn nhôm gồm kali nhôm sunfat và amoni nhôm sunfat, với yêu cầu đạt độ tinh khiết gần như 100%, với ngưỡng cho phép trong một số loại thực phẩm. Nếu dùng loại trong công nghiệp để chế biến thực phẩm thì rất nguy hiểm. Dù vậy, Bộ không quy định sử dụng các chất này trong nhóm hạt hướng dương.
Ông cũng lưu ý người tiêu dùng nên chọn mua các loạt có bao bì, nguồn gốc rõ ràng, tránh những loại thấy bóng quá, màu sắc không rõ ràng.
P.V