Báo Thanh niên đưa tin, ngày 23/6, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất năm 2020 để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Cuộc họp có sự tham gia của 15 thành viên đến từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ LĐ-TB-XH, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp…
Tại cuộc họp, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng 2021.
Phương án 1, khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).
Phương án 2, thực hiện từ 1/7/2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến đại diện chủ sử dụng lao động, người lao động, thành viên các hiệp hội, các thành viên Hội đồng đã thống nhất cao chưa đưa ra phương án điều chỉnh lương tối thiểu.
Theo báo Tuổi trẻ, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, theo lộ trình cải cách tiền lương thì mọi năm vào dịp này là Hội đồng Tiền lương quốc gia họp để quyết định phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt áp dụng vào năm sau.
Tuy nhiên, năm nay thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động có khác với những năm trước, bởi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe" của doanh nghiệp và cả người lao động.
"Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt. Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động, trong mối quan hệ với sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp", phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nói.
Theo ông Hiểu, cần phải có khảo sát, đánh giá về đời sống của người lao động cũng như sự hồi phục của doanh nghiệp để phiên họp lần tới mới bàn bạc, xem xét.
Cũng tại hội nghị, các thành viên đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến.
Các đại biểu cũng tán thành số lượng thành viên tối đa 18 người, trong đó, giữ nguyên cơ cấu hiện nay 15 thành viên, gồm đại diện Bộ LĐ-TB-XH (5 thành viên), Tổng LĐLĐVN (5 thành viên), tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (5 thành viên) và bổ sung tối đa 3 thành viên là chuyên gia độc lập.
H.M (tổng hợp)