Trịnh Giang lên ngôi chúa vào tháng 10/1729, ngay sau khi Trịnh Cương qua đời. Đến tháng 4/1730, Trịnh Giang tự tiến phong là Nguyên soái, Thống Quốc Chính Uy Nam vương. Trịnh Giang rất thích tỏ rõ uy quyền của mình. Vào năm 1731, thượng hoàng Lê Dụ Tông mất. Năm sau, để thể hiện quyền lực ngôi chúa của mình, Trịnh Giang vu tội cho vua Lê Duy Phường, vốn là con thứ của Dụ Tông, tư thông với vợ của Trịnh Cương, phế truất làm Hôn Đức công. Trịnh Giang lập anh Duy Phường là Duy Tường, con cả Dụ Tông, lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông.
Do không tha thiết việc chính sự, năm 1736, Trịnh Giang phong cho Doanh lúc đó mới 17 tuổi làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, chức Thái úy, tước Ân Quốc công, cho mở phủ Lượng Quốc. Mỗi tháng ba lần, Trịnh Doanh thay Trịnh Giang triều kiến trăm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc.
Nhờ việc giao quyền hành triều chính cho Trịnh Doanh nên Trịnh Giang có thêm thời gian cho những việc chơi bời, hưởng lạc. Trịnh Giang đặc biệt tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ vì những ủng hộ của viên quan này trong việc ăn chơi của mình. Để phục vụ cho việc ăn chơi, hưởng lạc của mình, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng nhiều cung quán, chùa chiền rất nguy nga và tốn kém...
Cũng chính bởi đó mà Trịnh Giang liên tiếp ra lệnh tăng các thứ thuế khoá để bổ sung vào nguồn ngân quỹ thiếu hụt. Đồng thời, Trịnh Giang cũng liên tiếp ra lệnh bắt người dân đi lao dịch cho các công trình ăn chơi của mình. Thuế cao, lao dịch nặng nề khiến nhân dân rất bất bình.
Cũng bởi việc Trịnh Giang chỉ mải mê lao vào an chơi, ham mê tửu sắc mà không lo bồi dưỡng cơ thể, đảm đương triều chính nên sức khỏe ngày càng kém sút. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là theo tương truyền, chúa Trịnh Giang có tật mê đàn bà từ thuở nhỏ.
Vậy nên, ngay khi lên nắm quyền chúa, Trịnh Giang đã sớm sử dụng quyền lực của mình để có thể hưởng lạc ái ân. Tất nhiên, ngay sau đó, Trịnh Giang sớm nổi tiếng về thói ăn chơi dâm loạn không chừng mực. Càng về sau, Trịnh Giang càng có nhiều biểu hiện kì dị trong sinh hoạt tình dục.
Hằng ngày, các hoạn quan phải lựa ra một người đẹp trong số các cung nữ hoặc bắt cóc dân nữ sống trong khu vực, tắm cho sạch sẽ rồi bỏ vào bao tải lớn, vác vào phòng chúa Trịnh Giang. Người đẹp này sẽ được chúa “ân sủng” theo ý thích. Việc đam mê đàn bà của chúa Trịnh Giang không chỉ dừng lại ở đó.
Để thỏa mãn nhu cầu dâm loạn của mình, chúa Trịnh Giang còn từng tư thông với vợ lẽ của cha mình. Chúa Trịnh Giang đã quan hệ với cả cung nữ của cha là Kỳ Viên họ Đặng dù đây là một trong những cấm kỵ nghiêm ngặt của thời phong kiến. Sau Vũ Thái phi biết chuyện Trịnh Giang tư thông với Kỳ Viên đã bắt ép người này phải tự tử...
Luật nay: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Không rõ có phải vì Trịnh Giang quá dâm dục nên quả báo hay không mà một hôm, bất ngờ, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Sau khi bị sét đánh, Trịnh Giang mắc bệnh, tâm thần bất ổn định.
Tuy nhiên, sự việc Trịnh Giang bắt dân nữ để “ân sủng” là một hành vi sai trái và vi phạm vào các quy định của pháp luật ngày nay. Trước đó thì việc làm của ông sẽ không ai có thể nói gì hay xử phạt. Vì khi đó ông đang là vua một nước. Quyền lực tập trung ở nhà vua.
Nhưng hành vi ấy, chiếu theo các quy định của pháp luật thời nay thì sẽ bị xử lý nghiêm. Căn cứ vào đơn tố giác của gia đình người bị hại hoặc người bị hại, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra xác minh. Khi có đầy đủ chứng cứ thì sẽ khởi tố vụ án khởi tố bị can đối với Trịnh Giang về tội bắt giữ người trái phép theo BLHS. Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 (BLHS), quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Như vậy, việc Trịnh Giang bắt dân nữ để phục vụ cho thói ăn chơi hoang dâm vô độ của mình phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tường Linh