Những năm gần đây, việc mở rộng các phương thức xét tuyển, tự chủ tuyển sinh khiến thí sinh có nhiều cơ hội hơn để bước vào cánh cửa đại học. Trong số đó, chuẩn bị cho mình một chứng chỉ ngoại ngữ là cách mà nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Mong có thêm cơ hội nhờ chứng chỉ ngoại ngữ
Là học sinh cuối lớp 10, em Gia Bách – Trường THPT Đào Duy Từ, Thanh Xuân, Hà Nội đã bắt đầu lên kế hoạch ôn thi tiếng Anh cho bản thân.
“Hiện tại em học 2 buổi IELTS/tuần, mỗi buổi học hơn 2 tiếng, cùng với đó kết hợp học thêm theo chương trình trên lớp”, Bách chia sẻ.
Thời gian trên chưa kể lịch học chính khoá và học thêm các môn thi tốt nghiệp THPT của em học sinh này. Gia Bách cho biết dù lịch học kín, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi khi không có thời gian nghỉ ngơi nhưng em vẫn muốn có kết quả 6.5 IELTS vào kỳ 2 lớp 11 để có nhiều khả năng xét tuyển đại học.
“Kiểm tra đầu vào hiện em đang ở mức 4.5, đặt ra mục tiêu trên cũng không dễ đạt được và cần dành thời gian ôn tập cao độ", Trí Bách chia sẻ.
Không có ý định du học hay làm việc ở nước ngoài nhưng với nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên việc phấn đấu ở mức điểm như trên là phải đạt được đối với học sinh này. Trí Bách cũng chia sẻ thêm hiện nay nội dung ôn tập trên lớp hiện nay cũng đã hướng tới các bài thi IELTS song hành với nội dung THPT để cho các em nhiều cơ hội tiếp cận các cuộc thi tiếng Anh.
Tuy nhiên, dù có mức điểm ngoại ngữ cao vẫn khó chắc suất để vào đại học. Chia sẻ với Người Đưa Tin, bạn Nguyễn Ngọc Linh – Sinh viên năm nhất khoa Kế toán – Kiểm toán Trường Đại học Ngoại thương cũng đã từng mất khoảng thời gian ôn luyện thi IELTS hơn một năm nhưng lại không sử dụng để xét tuyển đại học.
Ngọc Linh cho hay: “Khoảng cuối lớp 10 đầu năm lớp 11 em bắt đầu tìm hiểu về phương thức xét tuyển của các trường mình mong muốn theo học, do học tiếng Anh ở mức ổn nên em quyết định chọn thi IELTS để xét tuyển đại học”.
Bạn sinh viên này đã bỏ ra 11 triệu đồng để ôn tập, tuy nhiên thời điểm cho do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chỉ học trực tuyến, việc tiếp thu kiến thức và ôn tập cũng bị ảnh hưởng.
Điều đáng nói, dù đạt mức điểm 6.5 IELTS (PV: có cơ hội được xét học bổng du học ở nhiều nước), tuy nhiên vẫn là chưa đủ để cho Ngọc Linh xét tuyển ngành mình mong muốn học.
“Do đăng ký học ở những trường top đầu, tỉ lệ chọi cao, mức điểm 6.5 IELTS chỉ ở mức khá khó có khả năng cạnh tranh vì đa phần các thí sinh khác có điểm 7.0 đến 8.5. Khi đến gần thời gian thi tốt nghiệp em vẫn phải tập trung ôn tập cao độ môn tiếng Anh”, Ngọc Linh bày tỏ.
Kết quả cuối cùng, bạn sinh viên này vẫn đỗ đại học bằng phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT thay vì lấy điểm IELTS, em cũng cho biết điều này đã làm bản thân mất thời gian ôn tập vì 2 bài thi không hoàn toàn giống nhau, cùng với đó là tâm lý hoang mang, căng thẳng khi lo lắng trượt đại học.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm 2022, phương thức kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển có tỉ lệ nhập học trên cả nước là 0,26%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển tỉ lệ nhập học là 0,5%.
Nhìn qua thành tích của tân sinh viên được công khai trên trang web của các trường đại học không hiếm để thấy được các thành tích vượt trội về ngoại ngữ của thí sinh, đa phần sẽ giao động từ 7.0-8.0. Năm học 2023-2024 thủ khoa khối tổ hợp C04 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có điểm thi IELTS là 8.0.
Năm 2024, có hơn 50 trường lựa chọn chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những tiêu chí xét tuyển đầu vào, ngưỡng điểm sàn chứng chỉ IELTS giao động từ 5.5 đến 6.5.
Yếu tố ngoại ngữ khi xin việc ra sao?
Trên thực tế, nhà tuyển dụng căn cứ vào vị trí việc làm, chuyên môn công việc để đòi hỏi trình độ ngoại ngữ của các ứng viên, trao đổi với Người Đưa Tin, chị Đặng Ngọc Minh Anh – Trưởng phòng Kinh doanh khu vực miền Bắc Công ty CP Umbala Việt Nam chia sẻ: “Việc biết ngoại ngữ ở trình độ cơ bản là cần thiết khi trong công việc hằng ngày công ty chúng tôi sẽ vẫn sử dụng các từ ngữ hoặc phần mềm nội bộ của công ty bằng tiếng Anh”.
Tuy nhiên, chị Minh Anh cho hay tuỳ từng vị trí sẽ có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ riêng, đối với nhân viên kinh doanh, bán hàng, logistics, nhân sự trong khối sản xuất và vận chuyển hàng hoá, nhân viên hành chính nhân sự, người làm tuyển dụng,… sẽ không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chỉ dừng ở mức độ hiểu biết cơ bản.
“Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và khả năng thích ứng với môi trường làm việc, yếu tố ngoại ngữ sẽ là điểm cộng trong quá trình phỏng vấn”, chị Minh Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, đối với những công việc phải giao tiếp làm việc với các đối tác nước ngoài, xử lý các công việc đối ngoại thì công ty sẽ vẫn yêu cầu trình độ ngoại ngữ nhất định để hoàn thành được công việc.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, chị Đào Trần Linh - Quản lý kinh doanh cụm kênh hợp tác ngân hàng của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential cho biết các công việc làm việc trực tiếp với khách hàng trong nước sẽ không đòi hỏi bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ.
“Nhiều ứng viên có trình độ ngoại ngữ thành thạo nhưng đa phần là giao tiếp hoặc học thuật, về từ ngữ chuyên môn các em chỉ cần phải trau dồi và học tập thêm khi đi làm”, chị Linh bày tỏ.
Theo các nhà tuyển dụng, song hành cùng việc học ngoại ngữ các em nên xác định bản thân nghề nghiệp muốn làm thông qua đó sẽ có phương pháp học phù hợp với vị trí việc làm, rất nhiều công việc yêu cầu ở trình độ cơ bản, hoặc yêu cầu tiếng Anh chuyên ngành nên chưa hẳn có điểm ngoại ngữ cao đã là phù hợp.
Trong Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 6/3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ.
Theo đó, với môn tiếng Anh, ngoài chứng chỉ TOEFL ITP, 450 TOEFL iBT 45, IELTS 4.0, Bộ cho phép miễn thi với thí sinh có B1 Preliminary/ B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3.