Chương trình Giáo dục phổ thông: Làm nhanh, nóng vội sẽ... vỡ trận

Chương trình Giáo dục phổ thông: Làm nhanh, nóng vội sẽ... vỡ trận

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 5, 02/11/2017 21:25

Cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) bày tỏ nhiều băn khoăn, lo ngại.

Ông cho biết, bản thân đã theo dõi việc cải cách giáo dục từ những năm 80 của thế kỷ trước và nhận thấy rằng, hiệu quả đem lại rất thấp, làm mất uy tín của ngành Giáo dục trong phụ huynh học sinh và nhân dân.

“Trong quá trình thực hiện đã có những sự nóng vội, thiếu cẩn trọng, thiếu việc lấy ý kiến của các chuyên gia về giáo dục và nhà khoa học”, ĐBQH Ngọc Phương nói.

Ông cũng cho rằng, yếu tố đem lại hiệu quả thấp là khi thí điểm chọn những cơ sở chủ yếu ở thành phố, thị xã, chọn giáo viên, chọn nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, nhưng áp dụng ra đại trà ở nhiều nơi còn khó khăn.

“Thêm nữa, đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị, đào tạo và thậm chí có những việc chưa có giáo viên để giảng dạy vẫn đưa ra đổi mới để áp dụng. Kinh nghiệm quản lý, điều hành chưa có.

Trong cải cách giáo dục thiếu chọn lọc, đưa ra những việc làm mà người dân cho đó là ngớ ngẩn, ví dụ như cải cách chữ viết, sau một thời gian cải cách lại phải thay đổi. Hoặc trong một số bài của các chương trình có sai, sót, có những bài tồn tại sự phản cảm.

Từ những bài học như vậy, tôi rất đồng tình với việc phải tạm dừng điều chỉnh thực hiện cải cách chương trình và sách giáo khoa mới”, vị ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho hay.

Giáo dục - Chương trình Giáo dục phổ thông: Làm nhanh, nóng vội sẽ... vỡ trận

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.

 ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng: “Bản thân tôi, cử tri và nhân dân rất lo lắng với việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới lần này vì hậu quả từ những việc làm thiếu hiệu quả của cải cách giáo dục đã có. Nếu không cẩn thận sẽ lặp lại con đường cũ, gây tốn kém cho Nhà nước, phụ huynh học sinh và mất niềm tin trong nhân dân đối với ngành Giáo dục.

Cải cách giáo dục không dễ vì nó động chạm đến nhiều vấn đề. Một là chương trình; hai là kinh phí, cơ sở vật chất; ba là đội ngũ giáo viên kinh nghiệm quản lý và yếu tố cuối cùng là sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị cũng như từng người dân”.

Để tránh đi vào những vết xe đổ trong cải cách giáo dục, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần phải lùi lại nhiều năm chứ không phải chỉ một năm như đề xuất lần này của Chính phủ mà Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày trước Quốc hội.

“Tôi nghĩ cần lùi lại nhiều năm để chuẩn bị đầy đủ chương trình, sách giáo khoa có tham khảo ý kiến của toàn dân, các nhà khoa học, có thí điểm và tổng kết thí điểm. Tránh lặp lại các nhiệm kỳ trước, thí điểm ở thành phố, giáo viên chọn, cơ sở chọn, điều kiện chọn. Bộ đã thí điểm thì thường không ai nói khuyết điểm và đa phần đồng tình, ca ngợi nên khi ra thực hiện đại trà bị vỡ trận.

Như những cải cách trước đây, chương trình tốt, mục đích tốt, động cơ tốt nhưng hiệu quả lại thấp. Vì vậy, tôi không có niềm tin lắm vào vấn đề dừng một năm lần này. Giáo dục liên tục cải cách qua việc thay sách, phụ huynh học sinh rất phàn nàn, người học cũng rất bức xúc.

Trong tiếp xúc cử tri, một cử tri nói với tôi “cải cách giáo dục có những nội dung mang lại sự hài hước”. Với giáo dục, làm nhanh, nóng vội thì không thể hiệu quả được. Chính vì thế, theo tôi nghĩ, bộ GD&ĐT có trách nhiệm cao là phải làm kỹ”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nêu quan điểm.

Dẫn lại bài học của mô hình trường học mới VNEN, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, chính sự thất bại, hiệu quả thấp nên không đưa lại niềm tin cho người dân và kể cả xã hội.

“Điều này không thể đổ lỗi cho cơ sở được. Lỗi từ chính bộ Giáo dục và Đào tạo trong áp dụng. Đưa một chương trình được coi là tiên tiến ở các nước khác áp dụng vào Việt Nam nhưng đội ngũ giáo viên chưa đủ khả năng, chưa tiếp cận được với chương trình ấy mà đưa thì nguyên nhân chính là từ bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông nói.

Ông cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong cải cách giáo dục thì chương trình là khâu dễ nhất, giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất mới quyết định sự thành, bại. Do vậy, ông đề nghị song song với quá trình lùi lại, bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chuẩn bị thật kỹ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tránh những thất bại như nhiều cải cách trước đây.

“Đổi mới giáo dục là rất cần thiết, đáp ứng tinh thần của Đảng ta, Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhưng bài học của nhiều năm đổi mới giáo dục chưa thành công. Nguyên nhân trong đó có sự nóng vội, thiếu rà soát, thiếu tính toán, thiếu cân nhắc, thiếu đồng bộ.

Do vậy, muốn thay đổi về chương trình thì trước hết phải tính đến yếu tố con người, phải thay đổi về đào tạo đội ngũ giáo viên, tiếp đến là nguồn kinh phí, cơ sở vật chất. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm có hiệu quả rồi mới triển khai.

Thách thức lớn nhất là chất lượng đội ngũ. Chương trình tốt, sách giáo khoa tốt nhưng đội ngũ không được đào tạo lại để phù hợp với nội dung và chương trình thì khó thực hiện”, vị ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.