Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường từ năm 2018 vẫn đang còn nhiều điểm băn khoăn trong dư luận. Vấn đề được đưa ra bàn thảo thời gian qua là việc, với thời gian chuẩn bị gấp gáp, việc chuẩn bị có đảm bảo chất lượng?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề tiến độ thời gian và chất lượng của chương trình.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện đề cập đến việc cần có sự phối kết hợp để làm sao chương trình được khả thi. Theo ĐB Hải, để chuẩn bị kỹ, cần một mốc thời gian, có thể là năm 2019 hay các năm sau đó để phấn đấu. Cần có thí điểm và cơ chế kiểm tra trước khi thực hiện đại trà. Sau khi thí điểm mô hình nhỏ sẽ nhân rộng.
Đánh giá cao việc chuẩn bị chương trình rất công phu, tuy nhiên, vị ĐBQH băn khoăn vấn đề nguồn lực, đội ngũ giáo viên thực hiện. “Nếu để một mốc quá xa, quá lâu, cử tri không mong muốn. Bao giờ cũng có sự mâu thuẫn, nên từ bây giờ đến khi thực hiện cần rà soát để xem tiến độ như vậy có đảm bảo được chất lượng không? Giữa thời gian và chất lượng phải phù hợp, điều này rất cần thiết để đảm bảo tính khả thi của chương trình”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đưa quan điểm.
Cùng đưa ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông nói rõ, năm 2018 đưa vào áp dụng thí điểm chương trình sách giáo khoa mới vào giảng dạy.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa phổ thông mới là hệ trọng. Không chỉ liên quan một mà nhiều thế hệ học sinh, lực lượng lao động sau này của đất nước. Tiến độ về thời gian không phải điều tiên quyết, mà là chất lượng của việc chuẩn bị, sự cần thiết của các điều kiện khi chúng ta áp dụng”, ĐBQH Phạm Tất Thắng nói.
“Hiện nay, chương trình tổng thể chưa được thông qua. Về lý thuyết, chương trình tổng thể phải thông qua rồi mới thông qua chương trình các môn học và sau đó biên soạn sách giáo khoa. Dĩ nhiên, về mặt kỹ thuật, chúng ta không đợi như thế. Nhưng thực tế vẫn phải có các bước một cách tương đối chặt chẽ. Có thể các công việc chuẩn bị không hoàn toàn chờ, nhưng phải có các bước cần thiết”, vị ĐBQH nói.
Lý giải thêm, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng, chương trình sách giáo khoa mới chưa ban hành nên chưa có kế hoạch cụ thể để tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Đây là đội ngũ rất quan trọng cho việc triển khai. Thêm nữa, cần lưu ý đến điều kiện cơ sở vật chất. Khi chương trình sách giáo khoa mới được ban hành, chúng ta mới biết cần cơ sở vật chất như thế nào, trang thiết bị giảng dạy, phòng thí nghiệm ra sao, những cái cũ đáp ứng đến đâu và cần phải bổ sung như thế nào.
“Tôi cho là, trong việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta hoàn toàn chuẩn bị một cách kỹ lưỡng về mặt nội dung, điều kiện cần thiết thực hiện sách giáo khoa mới. Khi nào ta thấy chín muồi rồi mới tiến hành áp dụng vào thực tiễn”, ĐBQH đề nghị.
“Nếu đảm bảo được tiến độ về sự chuẩn bị, chất lượng chuẩn bị với tiến độ theo Nghị quyết 88 là phương án tuyệt vời. Nhưng trong trường hợp chuẩn bị không kịp, cơ quan quản lý có thể báo cáo với Quốc hội chọn thời điểm áp dụng phù hợp hơn, để điều kiện áp dụng của chúng ta là phù hợp nhất”, ĐBQH Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Dương Thu