Bộ GD&ĐT thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp giảm tải. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
Lợi cho học sinh, khó cho giáo viên
Khi tìm hiểu các nội dung về chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Đàm Bạch Long, giáo viên trường THCS Thụy Phương đánh giá: “Việc tích hợp các môn học là có lợi cho học sinh và khó cho giáo viên. Trước đây, đào tạo giáo viên chỉ biết chuyên sâu một bộ môn, bây giờ, giáo viên không chỉ phải cập nhật sâu bộ môn đó, mà còn phải biết rộng kiến thức nhiều môn, khắc phục làm sao để bắt kịp với chương trình mới. Tích hợp vào thì các thầy cô phải dạy nhiều hơn”.
Theo thầy Long, với chương trình giáo dục mới, những giáo viên tốt nhất, giỏi nhất sẽ đi đầu, thử nghiệm thực hiện, sau đó lan tỏa ra rộng hơn. Giáo viên thì không thừa, vì số tiết của các môn học vẫn tương đương. Về chủ trương đưa ra là rất “sáng”, nhưng việc thực hiện sẽ rất khó khăn. Để thực hiện đúng ý đồ của Bộ thật tốt, phải có nguồn nhân lực đào tạo làm sao cho đội ngũ phía dưới làm được, có thể sẽ rất mất thời gian, nhiều người ngại, bàn lùi, nhưng với bất kể thầy cô giáo giàu kinh nghiệm nào cũng vậy, kiến thức trong đầu hiện nay đã bao nhiêu năm cũng phải cập nhật và thay đổi.
“Chương trình giáo dục mới này sẽ phổ kiến thức rộng hơn, các học sinh theo chuyên ban cũng sẽ phát huy được tốt hơn, tránh tình trạng học lệch”, thầy Long nhận định.
Cô Trần Lâm, giáo viên trường THCS Bồ Đề thì cho rằng: “Có thể sẽ diễn ra tình trạng thừa giáo viên, và những giáo viên tích hợp sẽ phải bồi dưỡng rất nhiều mới đủ trình độ và kỹ năng dạy được”.
Anh Bùi Ngọc Phúc, một chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu đánh giá: “Chương trình giáo dục mới này có điểm cộng rất lớn, đó là sau này, có thể có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa. Việc tích hợp là xu thế chung của tất cả các nước rồi. Tôi chỉ có 1 điều băn khoăn, giáo viên có thể truyền tải hết được dung lượng kiến thức mới hay không, sẽ phải tập huấn ra sao... Tất nhiên, theo lộ trình, lớp 1 sẽ bắt đầu trước, từ năm học 2020-2021. Các lớp khác sẽ triển khai dần, đó là cách làm thận trọng và cần thiết”.
Theo anh, triết lý giáo dục mà trước nay vẫn nói, “lấy học sinh làm trung tâm”, lần này, học sinh được phát huy đúng sở trường và không bị gò ép. Nếu phát huy tốt, học sinh sẽ có sự phân hóa rõ ràng ngay khi vào THPT. Việc đào tạo lại giáo viên là cần thiết, nếu có dôi ra thì vẫn thu xếp được, ngành giáo dục không tuyển biên chế mới, cần tập trung vào chất lượng.
“Câu chuyện giảm tải giờ học được đặt ra, nếu giảm tải từ phía trường lớp mà còn tồn tại áp lực từ phía phụ huynh thì chương trình giảm tải sẽ thất bại, rất dễ có tình trạng học thêm tràn lan. Vì thế, cần làm triệt để từ 2 phía, trường học và phụ huynh, không thể nói trách nhiệm riêng về phía trường học”, anh nói thêm.
Giáo viên có thể sẽ bị “tự đào thải”
Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh học sinh về chương trình mới, PGS. TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT phân tích: “Chương trình cũ theo phương pháp truyền thụ về lý thuyết quá nặng, nhẹ về thực hành, học sinh bị nhồi nhét, thầy giảng đến đâu, trò ghi đến đó. Chương trình giáo dục mới với kinh nghiệm thế giới, dựa trên phương pháp khai thác được năng lực của học sinh.
Giảm tải là điều rất cần thiết, qua việc thay đổi phương pháp, phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực của học sinh, kiến thức lâu bền, vững vàng hơn, phong phú hơn”.
Hơn nữa, ông cũng phân tích, hiện nay, có các môn học có phần chồng chéo với nhau. Nếu tích hợp trở lại sẽ bớt phần chồng chéo, sẽ giảm tải cho học sinh, tiết kiệm thời gian. Chương trình giáo dục phổ thông mới là mới được đưa ra nhưng thực tế là đã có sự tiếp thu kinh nghiệm thế giới để việc giảng dạy cho học sinh một cách nhẹ nhàng hơn, năng động và phát huy trí tuệ hơn. Không chỉ tập trung vào các kiến thức văn hóa, học sinh cũng sẽ có thời gian để tiếp thu các hoạt động khác của cuộc sống, để cho con người phát triển toàn diện hơn.
“Thách thức đầu tiên trong chặng đường sắp tới chính là năng lực giáo viên, trước nay vẫn theo phương pháp truyền thụ theo sách giáo khoa, mà về cơ bản, kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh có thể tự đọc, không cần theo dõi từ đầu đến cuối trên lớp. Kiến thức ngày càng bao la mà học sinh ngày càng dễ dàng tiếp xúc qua mạng, giáo viên cần biết cách đặt vấn đề, cần có các kỹ năng, trau dồi nhiều kiến thức, lĩnh vực, kiến thức phải rộng, phải biết tóm tắt ngược trở lại, mới có thể giảng dạy.
Trước mắt, cần thực hiện 2 cái song song trong giai đoạn này: Cùng với việc phải đưa ngay phương pháp dạy mới vào đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm, để đào tạo các giáo viên mới; đối với giáo viên cũ phải đào tạo lại chứ không phải bồi dưỡng hời hợt theo kiểu ngày xưa, phải làm thực sự nghiêm túc, giáo viên tự học hỏi qua các phương tiện, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu “lấy học sinh làm trung tâm”. Theo đúng lộ trình, bộ GD&ĐT có thể đào tạo giáo viên theo kiểu cuốn chiếu, người nào quyết tâm học sẽ làm được, nếu bản thân giáo viên không quyết tâm, sẽ tự mình loại mình ra khỏi đội ngũ giáo viên”, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
Ông nhấn mạnh: “Thay vì tất cả các bài giảng như trước đây, giáo viên giảng giải, bày sẵn kiến thức ra, dạng “This is…” (Đây là...), theo phương pháp mới, giáo viên phải đặt câu hỏi yêu cầu dạng “What is this?” (Đây là gì?) để các đối tượng học sinh tự chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức.
Ví dụ, trước đây, khi dạy về một chiếc cốc, giáo viên sẽ đưa ra và giới thiệu đặc điểm, tính chất, công dụng,... học sinh chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Bây giờ, theo phương pháp mới, giáo viên đưa chiếc cốc ra, học sinh tự khám phá là tên gọi chiếc cốc, có nhiều chất liệu được đưa ra hơn, thủy tinh, tre, gốm, sứ,… bên cạnh đó có nhiều công dụng khác nhau, không chỉ là uống nước, mà có thể ăn chè, cắm bút,… như vậy, kiến thức sẽ đa dạng hơn.
Đây chỉ là chìa khóa cơ bản của phương pháp, còn cụ thể từng bài giảng thì giáo viên phải tìm hiểu kỹ mới làm được”.
Trao đổi về sự lo ngại từ một số ý kiến: “Việc giảm tải giờ học thực tế trên lớp có thể sẽ dẫn đến một vài kẽ hở cho viêc dạy thêm”, nguyên Thứ trưởng cho rằng: “Quan trọng nằm ở khâu quản lý. Trước đây, người ta hay có tư tưởng “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính” tức là ở lớp dạy sơ sơ, ở nhà dạy thêm mới bù đắp kiến thức. Nhưng nếu như trên lớp đã dạy đầy đủ các kiến thức thì sẽ hoàn toàn không còn chỗ cho giờ dạy thêm”.
Chính vì vậy, theo ông, cần có thiết chế giáo dục đối với tất cả các trường, không được dạy thêm, học thêm, có định nghĩa rõ ràng. Căn bản, nếu Hiệu trưởng có phẩm chất quản lý thì trường sẽ không xảy ra tình trạng dạy thêm. Nếu muốn dạy thêm, phải có đề án, không thuộc phạm vi truyền đạt kiến thức cơ bản thì không cần thiết. Sau đó, phải có chế tài nghiêm khắc, xử lý Hiệu trưởng; đồng thời, phải tạo điều kiện cho giáo viên, đãi ngộ tốt hơn thì sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm; cuối cùng là công tác giáo dục đối với giáo viên, Hiệu trưởng về trách nhiệm đối với học sinh: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Bộ GD&ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo chương trình mới, bậc Tiểu học có một số điều chỉnh. Lớp 1 và lớp 2 sẽ chỉ có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học (chương trình hiện hành lớp 1,2,3 là 10 môn). Lớp 4,5 có 10 môn học (chương trình hiện hành có 11 môn học).
Chương trình mới chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).
Cẩm Mịch