Thông tin trên vừa được Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đưa ra trong buổi Họp báo 6 tháng đầu năm 2018 của UBND TP.Đà Nẵng, vào ngày 19/7.
Theo đó, nhiều ý kiến phóng viên báo đài cho rằng, thời gian qua, tình hình an toàn thực phẩm ở TP.Đà Nẵng còn diễn biến phức tạp. Trong rất nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, đề phòng vấn đề an toàn thực phẩm thì công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm. Các phóng viên đặt ra câu hỏi, UBND TP.Đà Nẵng đang thực hiện vấn đề này như thế nào?
Đại diện ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết, hiện, TP.Đà Nẵng chủ yếu nhập thực phẩm từ bên ngoài vào (80-90%). Do đó, để thực hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Ban đã kế thừa các đề án từ nhiều năm trước. Cùng với đó, là nâng cao năng lực ký kết, trao đổi thông tin, giám sát với các tỉnh bạn.
"Chúng tôi cũng kiểm tra, giám sát chặt các chợ đầu mối, thủy sản, lò giết mổ tập trung... Khi thực phẩm về đây sẽ được ngành kiểm tra nguồn gốc... Chúng tôi kết hợp với ban Quản lý các chợ để tập huấn cho tiểu thương trong vấn đề về nguồn gốc an toàn thực phẩm", vị đại diện nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng, hiện TP.Đà Nẵng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo đó, khi có cơ sở dữ liệu này, người dân trên địa bàn TP.Đà Nẵng có thể xác định được các đơn vị kinh doanh, ăn uống... (liên quan đến thực phẩm) có được đăng ký hay không và có thể truy xuất được nguồn thực phẩm.
Cũng theo vị Giám đốc sở TT&TT TP.Đà Nẵng, bên cạnh đó thì sở Công Thương TP.Đà Nẵng cũng đang thực hiện một ứng dụng để truy xuất nguồn thực phẩm. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề nhận dạng đối tượng cung cấp, thay vì trước đây nhận dạng qua QR code. Đặc biệt, ứng dụng này rất phù hợp với việc buôn bán nhỏ.
"Ví như ở một sạp trong chợ thì khi chúng ta đưa lên chụp hình người bán thịt thì sẽ rõ được nguồn gốc thịt đó lấy ở đâu", ông Thanh dẫn giải cụ thể.