Sáng nay 16/11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thảo luận dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ chính kiến không đồng ý đề nghị của Chính phủ về tách luật Giao thông đường bộ làm 2 luật là luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của PV, hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tách một số nội dung trong luật Giao thông đường bộ sang luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và giữ ổn định việc đào tạo lái xe như hiện nay.
Cụ thể trong văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng trong quản lý hoạt động GTVT nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, 2 mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn luôn được đặt ra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách ra thành 2 Luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi trong bản kiến nghị: "Luật Giao thông đường bộ là một trong các luật chuyên ngành GTVT, nếu tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì có cần tách các luật khác như luật Đường thủy nội địa, luật Đường sắt... thành 2 luật không?”.
Theo quan điểm của Hiệp hội, không nhất thiết phải chuyển lĩnh vực trên về bộ Công an mà nên để ngành GTVT tổ chức thực thi, giám sát. Ngành GTVT quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái; bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Ba Bộ đã được phân định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, như vậy sẽ không có sự chồng chéo, mọi khâu sẽ minh bạch hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trước đây, bộ Công an đã quản lý những lĩnh vực đó. Năm 1995, khi xem xét chuyển công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm từ bộ Công an sang bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ khi đó đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định.
Bộ GTVT quản lý việc sát hạch GPLX là hợp xu hướng của thế giới là dân sự hóa các hoạt động quản lý nhà nước và chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang. Nếu lực lượng vũ trang quản lý công việc của dân sự sẽ không tạo cơ chế công khai, minh bạch…
Trao đổi với PV, ĐBQH Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 chỉ có tên luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), không có tên luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, nhưng chưa được báo cáo rõ ràng với Quốc hội, việc đánh giá tác động của Luật cũng chưa đầy đủ. Theo quan điểm của ĐB Trần Thị Dung, cần đánh giá kỹ lưỡng, để Quốc hội khóa XV xem xét dự án luật này.
Quan sát quá trình các cơ quan của Chính phủ xây dựng dự án luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, Chính phủ trình dự án luật này trong tình trạng hơi gấp rút. Chính phủ cũng băn khoăn về việc tách luật, do đó mới ghi vào biên bản trình 2 phương án tách hoặc không tách. Như vậy phải chăng là quá trình làm luật cũng nửa vời?.
ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) không đồng ý tách luật và cho rằng chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe sang bộ Công an là không phù hợp.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) nhìn nhận, Chính phủ trình dự án luật này trong tình trạng “gấp rút”, nhất là chưa không thống nhất được việc tách Luật Giao thông đường bộ làm hai nên trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Ông Xuyền cho rằng, Quốc hội không phải là cơ quan làm chính sách nên không thể "hiểu rõ đầu đuôi" câu chuyện để thảo luận một cách thấu đáo. Luật Giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, quy tắc giao thông đường bộ. Đây là 4 thành tố thống nhất, gắn kết chặt chẽ, đảm bảo chất lượng an toàn giao thông đường bộ. ĐB Xuyền khẳng định tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật sẽ trở nên khô cứng và vô nghĩa, gây ra rất nhiều hệ lụy. Do đó, ông không đồng tình với việc tách luật.
Ngân Giang