Cách đây gần 5 năm, Nguyễn Thị Luyện (SN 1995, ở thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là một nữ sinh xinh xắn, đang chuẩn bị bước vào năm học lớp 12 thì một vụ tai nạn giao thông (TNGT) bất ngờ xảy ra đã cướp đi đôi chân của em.
“Khi bị TNGT, em vẫn tỉnh nên nhớ rất rõ. Lúc tan giờ học, em cùng bạn đèo nhau bằng xe đạp về nhà. Đang đi đúng lề đường bên phải thì xe bọn em bị một chiếc ô tô tải chạy nhanh quệt vào, bạn em bị hất văng ra xa còn em bị cuốn vào gầm xe, bị bánh xe đè vào chân trái. Em thét lên gọi người cứu ra thì bỗng thấy xe lùi lại, cán nốt vào chân phải của mình”, Luyện kể.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng với con mình, cô Nghiêm Thị Quý tâm sự: “Hết cuộc đời này, tôi không thể quên khoảnh khắc khi bước vào phòng cấp cứu. Nhìn thấy mẹ, Luyện liền ngóc đầu lên hỏi: “Con sẽ cụt chân hả mẹ? Lúc đó, tôi cắn chặt răng để nước mắt không trào ra, cứng cỏi bảo con rằng, “Mẹ chỉ cần cứu được mạng sống cho con thôi””, cô Quý gạt nước mắt kể lại.
Theo cô Quý, tài xế cố tình lùi xe lần nữa để đâm chết con mình: “Dã man quá, nếu không thì con chỉ mất một chân. Tài xế là con trai một, lao động chính trong gia đình, gia đình họ cũng rất nghèo, nên khi gia đình họ năn nỉ xin bãi nại, rồi hứa sẽ coi Luyện như con để chăm sóc suốt đời, cháu Luyện và tôi cũng tha thứ. Ai dè, từ khi tôi ký đơn bãi nại xong, phía tài xế không một lần thăm hỏi, không chút hỗ trợ”, cô Quý nói.
Không còn đôi chân lành lặn, Luyện trân trọng chút sức lực còn lại ở đôi tay. Rời viện về, em đòi đến trường ngay. Vì ý thức rằng mình đã mất đôi chân, không thể lao động như người bình thường nên chỉ còn cách học thật giỏi mới có thể tìm được một công việc phù hợp với bản thân.
Thời điểm đó, sau một thời gian dài điều trị, năm học lớp cũng 12 sắp kết thúc, nên em phải chờ năm học mới. Khoảng thời gian đó, Luyện ở nhà tự học rồi làm thêm hoa giả để bán. Năm học mới bắt đầu, hằng ngày, Luyện được mẹ cõng tới trường, nhiều hôm được bạn bè cùng lớp đưa về.
Sau một năm trên lưng mẹ tới trường, Luyện đã tốt nghiệp THPT rồi thi đỗ hai trường đại học. Hiện em đã là sinh viên năm cuối khoa Tâm lý, đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Luyện rưng rưng kể lại: “Lên đại học, cuộc sống gia đình khó khăn hơn nhiều, nhà em chia làm hai, bố thì ở trên này với em, mẹ thì ở nhà với em gái. Lúc đầu, bố em lên còn chưa tìm được việc làm, khoảng một tháng sau bố mới bắt đầu làm xe ôm. Còn mẹ ở nhà làm công việc ruộng đồng. Hai chị em đều ăn học nên bố mẹ rất vất vả, tiền bố đi làm cũng chỉ đủ mua thức ăn.
Được ba tháng thì bố em về nhà làm thợ xây vì công việc có thu nhập hơn, mẹ em lại gác công việc đồng áng lên chăm sóc em, khi em đi học thì mẹ lại đi làm thêm đủ mọi việc như lau chùi dọn dẹp theo giờ vì phải đưa đón em nên mẹ cứ phải chạy ngược chạy xuôi”.
Chú Nguyễn Thọ Huấn (bố của Luyện) nghẹn lời: “Trước kia, gia đình thuộc diện hộ nghèo, tiền học phí của cháu không mất nhưng từ năm ngoái không hiểu lý do gì thôn lại cắt tiêu chuẩn, gia đình lại lo thêm tiền học phí cho cháu, đã khó khăn lại càng khó khăn”.
Thấy bố mẹ vất vả, hè năm thứ hai đại học, Luyện xin đi làm thêm nhưng mẹ em lại phải đưa đón, trong khi công việc của cô không cố định. Sau hai tháng thì Luyện xin nghỉ và chuyên tâm vào học hành.
Trong suốt ba năm qua, năm nào Luyện cũng là học sinh khá giỏi và nhận nguồn học bổng 11 triệu đồng của chương trình “Thắp sáng niềm tin”. “Đây là khoản thu nhập lớn nhất của hai mẹ con, nên em càng phải nỗ lực”, Luyện chia sẻ.
Đang trò chuyện thì bố Luyện xin phép ra về để kịp công việc ở nhà giữa trưa hè nóng bức. Hai bố con lại lên đường, nụ cười vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt cô sinh viên ngoan hiền. Chào pv ra về, Luyện tâm sự: “Những giai đoạn khó khăn nhất em và gia đình đã vượt qua, giờ em chỉ mong mình sớm tốt nghiệp, có việc làm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, bố mẹ đã vất vả vì em quá nhiều”.
Đặng Thủy - Công Luân