Chuyện chưa kể về đại sư với tuyệt chiêu hổ trảo

Chuyện chưa kể về đại sư với tuyệt chiêu hổ trảo

Thứ 7, 21/12/2013 10:50

Vì theo phong trào yêu nước, lại có võ công cao cường, đặc biệt là chiêu hổ trảo có thể lấy mạng bất cứ ai, nên thực dân Pháp đã rất sợ hãi. Chúng lo ngại, ông sẽ truyền bá võ công này cho nhiều người và sẽ là thế lực hùng mạnh chống đối bọn chúng tại địa phương.

Sau khi bắt được ông, chúng đã cho cắt gân tay, để ông không thể dùng chiêu hổ trảo vĩnh viễn. Thế nhưng, cuộc đời ông lại sản sinh ra nhiều thế hệ học trò nổi danh.

Hổ trảo và âm dương bát quái tấn

Võ sư Nguyễn Thanh Sơn, từng là đệ tử của đại sư Mai Văn Phát hiện đã lên chức trưởng lão và cố vấn môn phái Trung Sơn Võ Đạo kể lại: "Khoảng thời gian đại sư còn trẻ, sau khi chia tay sư phụ của mình trên dãy Thất Sơn huyền bí, đại sư đi khắp nơi dạy võ. Người ta thường thấy có một thanh niên rắn chắc, đôi chân nhanh nhẹn, võ công cao cường tinh thần bất khuất, xuất hiện đó đây dạy võ cho thanh niên cùng trang lứa. Nhiều lần giặc Pháp cấm cản nhưng không được, bọn quan Tây phải dùng ngọn lửa thiêu rụi những căn nhà mà chàng thanh niên làm chỗ nương thân. Cuối cùng chàng thanh niên phải từ biệt dân làng và những người đồng trang lứa có chí hướng như mình. Trước khi đi, ông nói: "Lửa thực dân có thể đốt cháy tất cả, trừ trái tim của người yêu nước". Từ đây võ sư Mai Văn Phát đến nhiều nơi và cũng đã "dạy" cho nhiều tên tham quan, khoác lác những bài học đau đớn".

Trao đổi với chúng tôi, võ sư Phan Minh Đức, một đệ tử của đại sư Mai Văn Phát chia sẻ, vào những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, danh của cố sư phụ Mai Văn Phát đã nổi khắp miền Nam. Ông có thượng đài và đánh nhiều trận thắng, hạ knock out đối thủ. Với chiêu hổ trảo, bàn tay của cố sư phụ đụng tới ai là người đó phải chết. Năm ngón tay của ông như năm thanh sắt, giơ ra móng vuốt y như miệng của một con hổ. Với chiêu này, nhiều đối thủ đã không cầm cự được bao lâu thì bị hạ. Nhiều tên lính Pháp hống hách cũng đã bị sư phụ cho ăn đòn. Chính vì vậy, nghe đến danh Mai Văn Phát nhiều tên mặt cắt không ra máu. Thế rồi trong một lần, bọn chúng bắt được sư phụ và chúng nghĩ ra chiêu đê hèn đó là cắt gân bàn tay sư phụ. Chúng làm vậy là muốn sư phụ vĩnh viễn mất đi chiêu hổ trảo. Và về sau, năm ngón tay của sư phụ cũng không thể nào bóp sát vào được.

Xã hội - Chuyện chưa kể về đại sư với tuyệt chiêu hổ trảo

Chiêu hổ trảo được hai đệt tử của đại sư tái hiện lại. Võ sư Phan Minh Đức (bên trái và võ sư Nguyễn Thanh Sơn)

Tuy vậy, những năm tháng về sau, sư phụ về trụ trì chùa Long Hoa (quận Gò Vấp, TP.HCM ngày nay) và mở võ đường truyền dạy võ học cho những thế hệ học trò hướng theo việc nghĩa, có lòng yêu nước. và môn phái Trung Sơn võ đạo ra đời từ đó. Về sau, đại sư Mai Văn Phát đã cho ra lò nhiều thế hệ võ sư tài năng. Điển hình như võ sư Nguyễn Thanh Sơn, hiện là cố vấn của môn phái, võ sư Nguyễn Văn Thanh (tỉnh Đồng Nai), Phan Minh Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM), Lê Ngọc Điệp (quận Tân Bình, TP.HCM), Trần Văn Hồng (tỉnh Tây Ninh).... Võ sư Đức cho biết, khi tôi theo học với cố sư phụ thì ngoài được truyền dạy võ công, còn được ông dạy rất nhiều về đạo pháp. Học võ không phải là để đi ra oai, hay dùng để đánh người mà phải làm việc nghĩa. Chính vì thế, hầu như các đệ tử đều không được đi đánh đài để kiếm sống.

Thế nhưng, thế hệ anh em chúng tôi vẫn thường trốn đi đánh đài. Mục đích không phải là để kiếm tiền mà muốn cho bọn lính Đại Hàn biết tay và chừa thói ngang tàng hống hách. Thời đó, lính Đại Hàn có sang miền Nam Việt Nam tham chiến, họ là đồng minh của Mỹ. Với những tên to cao, chúng luôn tự đắc với võ nghệ của mình và hà hiếp dân chúng. Đối với giới võ lâm, chúng lập đài và thách đấu với bất cứ ai. Chuyện này làm cho giới võ lâm Sài Gòn và miền Nam lúc bấy giờ hết sức phẫn nộ. Chính vì thế, nhiều người đã lên thượng đài. Tôi cũng vậy, đã trốn sư phụ đi mấy lần và đều dành phần thắng. Trong một trận so găng, đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút nhưng chỉ hai hiệp thì tôi đã hạ tên lính Đại Hàn của "Sư đoàn mãnh hổ" bằng chiêu "Âm dương bát quái tấn".

Truyền nhân của đại cao thủ

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, võ sư Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, cố sư phụ là người miền Tây. Ông sinh năm 1917 tại Thới Đông, Ô Môn (TP. Cần Thơ ngày nay). Thuở nhỏ, Mai Văn Phát là đứa trẻ ốm yếu, hay bệnh tật. Ông khó nuôi tới mức, nhiều lần tưởng đã chết. Đến năm 6 tuổi, ông gặp phải bạo bệnh tưởng đã chết đi. Rồi cha ông cũng có lần định đem đi cho một nhà thờ công giáo của thực dân Pháp nuôi dưỡng, nhưng mẹ ông vì thương nên ngăn cản và ráng nuôi dần qua khỏi, trưởng thành. Đến năm lên 10 thì ông được cha đưa đến vùng Thất Sơn nhờ gửi. Thời điểm ấy, vùng Thất Sơn nổi danh với nhiều cao thủ ẩn danh tại đây, họ vừa có khả năng chữa bệnh vừa có công phu cao cường. Chính vì vậy nên mới tồn tại được tại khu vực Bảy núi lắm hùm beo, cọp dữ. May mắn cho cậu bé lắm bệnh là tại ngôi chùa Hải Sơn vùng này đã có vị sư đồng ý nhận cậu bé.

Người trụ trì ngôi chùa này không ai khác chính là Bộ tướng của anh hùng Nguyễn Trung Trực tên Thích Thiện Hoa. Sau khi đốt cháy tàu Pháp trên vàm sông Nhật Tảo huyền thoại và các cuộc khởi nghĩa khác sau đó bị thất bại, ông chạy lên Hải Sơn tự ẩn náu. Tại đây, ông sống ẩn tích và lấy pháp danh Thích Thiện Hoa. Theo thầy Thích Thiện Hoa, cậu bé Phát được đặt cho pháp danh là Thiện Tâm và còn được sư phụ truyền cho rất nhiều võ công. "Chú tiểu ngày ấy hàng ngày với bộ quần áo nâu sồng mong manh che tấm thân tiều tụy làm công quả cho chùa như đi lấy nước suối, với dụng cụ không có quai xách mà phải bấu bằng những đầu ngón tay. Lúc bấy giờ cũng không có những con đường nấc thang như ngày nay mà với đôi chân trần nhảy qua những mỏm đá, dùng tay gạt những gai góc cản đường để đem về đúng thời gian quy định", võ sư Sơn cho biết.

Cũng theo võ sư Sơn thì thiên nhiên ở đấy cũng rất khắc nghiệt, gió lồng lộng thổi, cảnh vật hùng vĩ mênh mông làm cho con người cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên. Do vậy, muốn tồn tại phải có nhiều nghị lực. Đêm về ngồi thiền quán tưởng, ngủ trên phiến đá phẳng, cái lạnh của đá len vào cơ thể, bên ngoài gió rít từng cơn, thỉnh thoảng tiếng gầm rú của thú dữ vọng về tăng thêm sự hãi hùng trong đêm tối. Nếu con người không có chí lớn hẳn sẽ không thể vượt qua. Qua hơn một năm, khi đôi chân trần quen dần với những mỏm núi, bước nhảy nhẹ nhàng, thân hình cứng cáp, chú bé Thiện Tâm hàng đêm cùng với hòa thượng Thiện Hoa thoắt ẩn, thoắt hiện trên những mỏm núi, hay đường dẫn vào hang động sâu kín để luyện võ công dưới ánh đèn mù hoặc dưới ánh trăng leo vách núi.

Từ một cậu bé lắm bệnh hay đau nay đã trở thành một thanh niên rắn rỏi, cường tráng và nhanh nhẹn. Sau 11 năm khổ luyện, một ngày kia, sau một buổi tập, sư phụ đã kể lại hào khí của anh hùng Nguyễn Trung Trực cho sư Thiện Tâm nghe đồng thời cho phép sư Thiện Tâm nhập thế, đem võ học giúp đời. Sau đó một thời gian thì thầy Thích Thiện Hoa viên tịch, hưởng thọ 98 tuổi. Thế nhưng sự nghiệp võ học của ông không phải vì thế mà dừng lại, trong một lần thượng đài và so găng một số trận tại Cần Thơ, ông được một cao thủ  nhận làm đệ tử và truyền dạy nhiều võ công cao cường. Đó là lão võ sư Lão Thêm, một đệ tử của phái Thiếu Lâm. Thời gian này, ông cũng thường xuyên lên đấu đài tại Cần Thơ, Long Xuyên và ở nước bạn Campuchia. Trong những lần thượng đài ông giành phần thắng hầu hết.

Một trong những người sáng lập Tổng hội Võ học

Năm 1964 thì ông thành lập Trung Sơn võ đạo. Năm 1969, đại sư Mai Văn Phát cùng với nhiều võ sư khác như: Trần Xil, Mã Thanh Long, Quách Phước... đã thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam. Lúc ấy, ông giữ chức Phó Chủ tịch và Chủ tịch của Tổng hội. Sau này khi có Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, đại sư được nể trọng và cử giữ chức Trưởng ban Cố vấn của Liên đoàn. Đến năm 1997 thì ông viên tịch.

Chí Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.