Chuyện chưa kể về người vẽ tranh Bác Hồ bằng máu

Chuyện chưa kể về người vẽ tranh Bác Hồ bằng máu

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 6, 19/05/2017 12:00

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, PV đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Duy Ứng - người nổi tiếng với bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ bằng dòng máu từ đôi mắt bị thương.

Đại tá, Anh hùng LLVTND, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Năm 1971, khi đang là sinh viên năm 3 trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, được phân làm trinh sát. Đến năm 1972, ông tham gia kháng chiến tại chiến trường Quảng Trị.

Xã hội - Chuyện chưa kể về người vẽ tranh Bác Hồ bằng máu

Họa sĩ Lê Duy Ứng.

Ngày 11/4/1975, ông tham gia đoàn quân giải phóng từ Đà Nẵng tiến vào Sài Gòn với nhiệm vụ ghi chép hình ảnh quân ta chiến đấu. Khi tới căn cứ Nước Trong, ngoại vi Sài Gòn, ông bị thương nặng, tỉnh dậy, ông không còn thấy gì. Giữa sự sống và cái chết, ông đã nghĩ đến Bác Hồ, dồn hết tâm lực, ông dùng ngón tay và dòng máu chảy ra từ đôi mắt vẽ chân dung Bác Hồ lên nền lá cờ Tổ quốc, kèm dòng chữ “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, rồi sau đó ông lại ngất lịm.

Khi ra đến Sơn Lộc, ông chết lâm sàng, đồng đội đã đưa ông vào nhà xác. Trong lúc đồng đội chuẩn bị đưa ông đi chôn cất, ông đã bất ngờ tỉnh dậy. Mọi người phát hiện lại đưa ông về điều trị. Khi thay quần áo cho ông, mọi người ở Quân y viện ngỡ ngàng trước bức tranh đặc biệt trong túi áo của ông, đã mang cất đi.

Nói về giây phút sinh tử, đau đớn khi mất đi đôi mắt, ông vẫn dành hết tâm trí khắc họa lên chân dung Bác Hồ, ông cho biết: “Năm 1957, khi được tin Bác Hồ về thăm Đồng Hới, tôi cùng chị mình là Lê Thị Xuân Thu đã vượt 23km đường bộ để được gặp Bác. Người đã mang độc lập, tự do cho dân tộc, cho gia đình tôi có cơm no áo ấm, cho tôi được đi học".

Xã hội - Chuyện chưa kể về người vẽ tranh Bác Hồ bằng máu (Hình 2).

Bức tranh vẽ bằng máu của ông Lê Duy Ứng.

"Dù chỉ được thấy Bác một lần khi còn nhỏ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc luôn là tượng đài vĩ đại trong tôi. Bức huyết họa ấy đã trở thành một biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh”, người cựu chiến binh nói.

“Chắc chắn rằng, hiếm có một lãnh tụ nào mà kẻ thù cũng phải kính trọng như Hồ Chủ tịch. Sau Hiệp định đình chiến 1973, tháng Hai năm đó tôi cùng đồng chí Nguyễn Hữu Khải vào công tác dân vận. Lúc đó tôi ký họa chân dung Bác Hồ, rồi hỏi người bên kia chiến tuyến, các ông có biết ai đây không? Họ nói rằng: "Ông Hồ Chí Minh". Từ lời nói, ánh mắt, thái độ của họ khi ấy, tôi thấy một sự kính trọng vị lãnh tụ mà chính quyền của họ không thể có”, ông Lê Duy Ứng kể lại. 

Chia sẻ về quãng thời gian sau khi mất đi đôi mắt, ông như tuyệt vọng, chán nản vì với người họa sĩ, mất đi đôi mắt cũng đồng nghĩa với cái chết.

“Nhưng trong lúc tuyệt vọng, tôi đã nhận được sự động viên, khích lệ từ đồng đội, người thân, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng nói tôi phải sống như gương Bác, theo lời Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông nhớ lại.

Tìm lại được nghị lực, ông tiếp tục với đam mê và niềm tin cuộc sống. Sau 7 năm sống trong mù lòa, năm 1982, ông được giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân cấy ghép giác mạc thành công và ông đã nhìn thấy trở lại, tuy thị lực mắt trái chỉ được 5/10 và mắt phải bị mù vĩnh viễn.

Năm 2005, khi ông đang làm việc ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đôi mắt ông mờ dần, có nguy cơ mù hẳn. Ông được tài trợ đi chữa mắt ở Nhật Bản. Năm 2006, mắt ông đã sáng trở lại, nhưng vì vết thương cũ tái phát nên từ năm 2012 mắt ông chỉ có thể phân biệt được sáng tối.

Đang trò chuyện, ông bất ngờ muốn dẫn tôi xem bộ sưu tập của ông - đó là phòng tranh và tượng nơi chất chứa đam mê, tâm huyết của ông. Bước vào phòng dễ dàng nhận thấy những bức tranh, pho tượng về Bác Hồ chiếm số lượng lớn, được ông đặt ở những nơi trang trọng nhất. Đôi mắt ông như bừng sáng lên. Với giọng vui tươi, ông say sưa nói về từng tác phẩm.

Những tác phẩm thay lời diễn tả hết sức cặn kẽ một tình yêu vô vàn của ông với Bác, một tình yêu được sáng tác trong rừng, nơi chiến tuyến và giờ là cả quãng đời mù lòa trong thời bình.

Giờ đây khi đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe đã yếu đi nhiều, mắt ông cũng chỉ còn phân biệt được sáng tối, nhưng tinh thần, nhiệt huyết, cảm hứng sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông vẫn còn đó: “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”.

Trong suốt cuộc đời mình, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng, giành được 8 giải thưởng nghệ thuật trong và ngoài nước. Ông tổ chức được gần 50 cuộc triển lãm.

Ông cũng mới khai mạc một triển lãm nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị. Rất nhiều người khi đến xem triển lãm đã xúc động và cảm phục tấm gương cũng như nghị lực phi thường của người họa sĩ thương binh tài ba. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họa sĩ Lê Duy Ứng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 30/10/2013.

Công Luân - Thủy Đặng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.