Kỳ bí giây phút chào đời của vua voi
Có dịp đến huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk công tác, chúng tôi được nghe người dân địa phương kể không ít câu chuyện ly kỳ về Vua voi Khunjunop.
Để hiểu hơn về vị vua đặc biệt này, chúng tôi đã vượt quảng đường hơn 50km để tìm gặp ông Y Nhi Rya (tên thường gọi là Ama Phương, SN 1951, trú tại Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là chắt rể của Vua voi Khunjunop.
Theo ông Y Nhi, Vua voi Khunjunop tên thật là Y Thu K’Nul (1828 - 1938) có nguồn gốc là người M’nông.
Ông Y Thu là một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục và cũng là người đã khai sinh ra Buôn Đôn. “Không có ông Y Thu thì không có huyện Buôn Đôn ngày nay. Ông là người đã khai sinh ra Buôn Đôn”, ông Y Nhi khẳng định.
Ông Y Nhi cho biết, theo lời kể của người xưa, ông Y Thu sinh ra và lớn lên tại vùng đất giáp Campuchia. Khi sinh Y Thu, mẹ ông đau đẻ 3 ngày 3 đêm, theo phong tục, người nhà mổ heo, mổ gà cúng thần linh nhưng bà vẫn không sinh được.
Cho đến ngày hôm sau, vào lúc giữa trưa, ở trên trời có tiếng leng keng như chuông và xuất hiện bóng một con ngựa chạy quanh quanh nhà ông 7 vòng, lúc này Y Thu mới cất tiếng khóc chào đời. Không chỉ vậy, khi lớn lên, tiếng nói của ông rất thanh và vọng đi rất xa.
Chính vì vậy, người trong gia đình, ai cũng tin rằng ông là con của thần linh, chứ không phải người thường.
Sau này, do hoàn cảnh đưa đẩy, Y Thu đã tìm đến vùng đất Bản Đôn sinh sống. Khi xảy ra mâu thuẫn đánh nhau giữa các bộ tộc, mẹ ông cùng nhiều người nhà bị người buôn bên cạnh bắt nhốt vào trong hang đá. Lúc này, Y Thu may mắn chạy thoát thân, đến vùng đất ở Thác Bảy nhánh (thuộc địa bàn xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn ngày nay) lánh nạn.
Sau đó, ông tìm đến bà Ja Wầm (một tù trưởng giàu có ở vùng đất Cư Mgar thời bấy giờ) mượn người đi giải cứu mẹ. Sau khi đánh cho kẻ địch tơi bời, cứu được người, Y Thu đưa cả gia đình về khu vực Thác Bảy nhánh sinh sống, lập buôn và đặt tên Buôn Đôn (tức làng đảo, theo tiếng Lào, sau này Buôn Đôn được dùng để đặt tên cho huyện Buôn Đôn ngày nay – ông Y Nhi nói).
Thời điểm này, ông có một con voi đầu tiên, thả trong rừng. Tuy nhiên, bộ tộc người Ê Đê đã bắn con voi của ông. Khi ra tòa, ông yêu cầu người Ê Đê bồi thường con voi bị bắn bằng việc chia đất cho ông khu vực huyện Buôn Đôn ngày nay.
Đáng nói, sau khi bồi thường, bộ tộc người Ê Đê đã kết nghĩa với ông Y Thu. Lúc này, ông Y Thu đã tặng cho bộ tộc người Ê Đê thêm 1 con voi nữa, rồi ở lại Buôn Đôn sinh sống.
Người tù trưởng bao dung
Không chỉ giàu có, uy tín, Y Thu còn là người bao dung, thương người. Thời đó, vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán nô lệ, trên cương vị tù trưởng, Y Thu tuyệt đối không cho bắt bán nô lệ sang nước khác. Nếu có ai đó bị bắt bán, ông biết được sẽ đứng ra xin, hoặc tự bỏ tiền mua về nuôi rồi sau đó tha về.
Theo luật tục ngày xưa, ai đó bị quy cho là “ma lai” thì lập tức bị cả làng kéo đến bắt, giết chết. Những trường hợp này, Y Thu cũng bỏ tiền ra mua nuôi, không cho giết.
Đối với người phạm tội trộm cắp, nếu bắt được sẽ bị đem bán làm nô lệ để “trừ” vào đồ vật họ đã ăn cắp, ông cũng mua về nuôi rồi sau đó tha bổng. Cũng vì vậy, người dân tìm đến Buôn Đôn sinh sống ngày càng nhiều hơn.
Không những thế, khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, vào Buôn Đôn bắt người của Y Thu đi lính, ông đã dùng ngà voi “thế” cho Pháp để người dân không bị bắt lính.
Từ những việc làm này, ông được người dân Tây Nguyên hết sức kính trọng, tôn sùng; kể cả người Lào, Campuchia, Thái Lan hay người Pháp khi đặt quan hệ làm ăn đều nể phục.
Sau này, quá trình giao thương làm ăn, ông Y Thu có một con voi trắng (bạch tượng) và mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (tức là người tướng chào). Kể từ đó, ông Y Thu được mọi người gọi là Vua voi Khunjunop.
Ông Y Nhi lý giải, danh hiệu Vua voi Khunjunop mà người ta phong cho ông Y Thu không phải xuất phát từ việc ông đã săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Khunjunop cũng không phải là người trực tiếp săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Xưa kia, ông là một tù trưởng uy tín, giàu có bậc nhất Tây Nguyên sở hữu rất nhiều voi, với hơn 400 con.
Ông là người tập hợp chung quanh mình những dũng sĩ săn voi nức tiếng nhất rồi chỉ huy họ vào rừng săn bắt, thuần dưỡng voi. Voi rừng sau khi được thuần dưỡng, ông đem giao thương, trao đổi với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai…
Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, thông tin về cái chết của Vua voi Khunjunop nhanh chóng được truyền đi khắp vùng. Tang lễ của ông được tổ chức rất long trọng, đầy đủ các nghi thức truyền thống kéo dài nhiều ngày với sự tham dự của nhiều sắc tộc gần xa. Mộ của ông nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpôk (thuộc địa phận của Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, mộ Vua voi Khunjunop được Pháp tài trợ để xây dựng. Ngôi mộ là hiện thân của Vua voi Khunjunop để con cháu sau này biết đến, tưởng nhớ nguồn gốc tổ tiên của mình. Bởi vua voi Y Thu đã có rất nhiều cống hiến trong xây dựng buôn làng, Buôn Đôn ngày nay.
Từ đó, giúp cho các thế hệ con cháu của ông biết rằng tổ tiên của dòng tộc có sự cống hiến, có uy quyền, có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng người M’nông ở đây. Hiện, khu mộ được con cháu gia đình quản lý, bên đơn vị khai thác du lịch vẫn hợp đồng với gia đình hàng năm để đưa khách tham quan.
Khi có khách muốn đến thăm, đơn vị khai thác du dịch liên hệ trước để gia đình mở cửa. Bên cạnh đó, gia đình có đưa nội dung gia phả cho đơn vị khai thác du lịch nhằm nắm rõ lịch sử tồn tại của ngôi mộ để giới thiệu với du khách.
Khánh Ngọc