Bí quyết hóa giải nhiều mâu thuẫn
Giữ vai trò là người uy tín tại buôn Ê Căm (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), già làng Y Om Knul (SN 1955, trú tại buôn Ê Căm) không ngừng nỗ lực trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết.
Nhiều năm nay, ông tham gia tích cực vào công tác hòa giải cơ sở, phân xử các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
Già làng Y Om không chỉ là người tuyên truyền cho bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn là "người phán xử" trong các phiên hòa giải ở các buôn làng.
Ông cùng tổ hòa giải cơ sở đã phân xử nhiều vụ việc từ mâu thuẫn hôn nhân, gia đình đến tranh chấp đất đai. Sự tận tâm và am hiểu của ông đã giúp giải nhiều vấn đề khó khăn một cách êm thấm.
Khi được hỏi về bí quyết giúp công tác hòa giải đạt hiệu quả cao, ông Y Om chia sẻ, ngoài kiến thức pháp luật, am hiểu luật tục, một trong những điều quan trọng là người hòa giải phải khéo léo vận động, dùng lời lẽ có tình, có lý thì mới thuyết phục được người dân.
Người làm nhiệm vụ hòa giải cần phải tìm hiểu cặn kẽ, kỹ lưỡng, tường tận từng tình tiết phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp rồi mới phân tích, đưa ra hướng giải quyết hợp lý.
Trước khi tham gia phân xử, vụ việc phải luôn tỉnh táo để phân tích vấn đề một cách rõ ràng. Qua mỗi vụ hòa giải, già rút kinh nghiệm, tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật ghi chép cẩn thận các quy định, điều khoản pháp luật vào sổ tay, từ đó tích lũy được vốn kiến thức pháp luật quý giá. Qua đó, vận dụng khéo léo, linh hoạt giải quyết các vụ việc hòa giải.
Nhờ sự tận tâm, am hiểu sâu sắc về cả pháp luật và phong tục tập quán người đồng bào dân tộc thiểu số, uy tín của ông Y Om đã lan tỏa ra nhiều buôn làng và các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, ông thường xuyên được mời tham gia hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn và khiếu kiện phức tạp, giúp người dân tìm ra giải pháp tốt nhất.
Giữ "lửa" đoàn kết ở buôn Ê Căm
Đến nay, sau 20 năm được cộng đồng người dân tộc Ê Đê buôn Ê Căm suy tôn, chính quyền công nhận là người có uy tín, già làng Y Om không thể nhớ nổi số vụ việc ông đã tham gia phân xử.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc ông tham gia hòa giải đều thành công. Dù vậy, cũng có những vụ việc không đạt được kết quả như mong muốn do hai bên không thống nhất quan điểm với nhau.
Trong số đó, có 3 cặp vợ chồng đã ly hôn dù ông Y Om đã rất nỗ lực để cứu vãn mối quan hệ.
"Nếu đã cố gắng hết sức mà không thể níu kéo, thì đành nhờ đến pháp luật. Họ ly hôn trong êm đẹp, không nảy sinh tranh chấp gì cũng là điều tốt", ông Y Om nói.
Ngoài công tác hòa giải, già làng Y Om còn đảm nhiệm nhiều trọng trách khác như Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Tổ trưởng Tổ vay vốn của buôn Ê Căm. Mỗi cương vị có nhiệm vụ, trọng trách khác nhau, nhưng ông đã khéo léo lồng ghép các nhiệm vụ để đạt hiệu quả công việc cao nhất.
Mặc dù đã bước sang tuổi 69 nhưng ông vẫn miệt mài tham gia các hoạt động xã hội, với mong muốn trở thành "cầu nối" giữa chính quyền và nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Buôn Ê Căm có gần 600 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 1/3 số hộ. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, nhưng diện tích đất canh tác hạn chế khiến đời sống của nhiều hộ còn khó khăn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Văn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch thị trấn Buôn Trấp khẳng định, những người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy vai trò của người uy tín, già làng Y Om đã tham nhiều phiên hòa giải các vụ mâu thuẫn phát sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, khi có mâu thuẫn xảy ra trong các buôn làng, già làng Y Om nhanh chóng phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn gặp gỡ các bên liên quan để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng bên.
Với sự am hiểu sâu sắc về luật tục, già làng Y Om tiến hành công tác hòa giải một cách khéo léo, đạt được những kết quả tích cực.
Ngoài ra, già làng Y Om còn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết, toàn huyện có 28 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, huyện đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện thực sự là "cánh tay" nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng.
Khánh Ngọc