Sáng nay (24/12), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Với mục tiêu đánh giá và thảo luận tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, và địa phương trên cả nước, từ đó đưa ra kiến nghị đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Phát biểu trong phần khai mạc, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam bày tỏ: “Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước; nhưng đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép”.
Ông Bùi Nhật Quang đánh giá, chuyển đổi số đã trở thành "cứu cánh" cho Chính phủ, doanh nghiệp, các địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.
Kinh tế và chuyển đổi số
Trong phiên thảo luận, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã đưa ra những con số về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ông Tuấn đã đưa ra những con số khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 tăng 5,6 % so với tháng trước 10.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP tăng 3,6 % so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ 3 % của cùng kỳ năm 2020).
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 đạt hơn 11.902, tăng 44.6 % về số lượng so với tháng 9 , số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2 % so với tháng 10.
Xuất khẩu tiếp tục tăng , tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD , tăng 17,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Về quy mô kinh tế số, ông Tuấn bày tỏ “Việt Nam được đánh giá rất cao trong qui mô kinh tế số khi đứng thứ 2 trong các quốc gia Đông Nam Á chỉ đứng sau Indonesia”.
Tuy nhiên, trước những con số trên chuyên gia vẫn đánh giá rằng: “Chúng tôi dự báo năm nay tăng trưởng kinh tế của chúng ta khoảng 2,2% và khó đạt được mục tiêu năm 2025 đạt được 6,5 đến 7 %”.
Để phục hồi nền kinh tế, ông Bùi Quang Tuấn bày tỏ: “Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức như “đứt gãy thực - kết nối ảo ", các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng kinh tế ảo, thương mại điện tử vẫn phát triển”.
Bên cạnh đó cần nhanh chóng hục hồi nhanh chuỗi cung ứng, sản xuất để trở lại trạng thái bình thường mới. Điều này, đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ bằng các gói hỗ trợ.
Những vấn đề này không chỉ Việt Nam phải đối mặt mà các nước trên thế giới cũng gặp những khó khăn tương tự.
Ở đây ông Tuấn đánh giá rằng xu hướng lạm phát cao của thế giới đang có xu hướng quay trở lại. Ngoài ra, đối với Việt Nam dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn tuy nhiên công cụ chính sách tiền tệ không có nhiều dự địa.
Chuyên gia đề xuất cần phải chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái của chuyển đổi số từ hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng, cho đến môi trường thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, thông tin và chia sẻ kết nối thống tin.
Bên cạnh đó, các giải pháp nhắm tới phục hồi và phát triển kinh tế bền vững cần bao hàm hai nội dung: bền vững về tác động phục hồi của các giải pháp can thiệp từ các gói hỗ trợ, làm cho nền kinh tế phục hồi một cách ổn đinh bền vững mà không tạo ra những xáo trộn , bất ổn vĩ mô; đảm bảo bố vững, hài hòa trong phát triển ở các lĩnh vực kinh tế, môi trường và văn hóa - xã hội
Học trực tuyến ứng phó với khủng hoảng
ThS.Nguyễn Thu Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có những ý kiến về chuyển đổi số ngành giáo dục.
Việc học trực tuyến này được phát triển mạnh mẽ trước bối cảnh hàng loạt các trường học ở phần lớn các nước trên thế giới phải đóng cửa, gây ảnh hưởng đến 1,5 tỷ học sinh, sinh viên. Con số tương đương với 91% số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới (theo số liệu của UNESCO).
Ở đây, chuyên gia thông tin về các hình thức học trực tuyến, theo đó việc học trực tuyến hiện nay ở Việt Nam thuộc nhóm học vì hoàn cảnh phải ứng phó với khủng hoảng, “giáo dục khẩn cấp từ xa”.
Chính vì vậy, chất lượng của hình thức này chưa tương xứng với chất lượng và hiệu quả của hình thức học trực tuyến được chuẩn bị từ trước.
Bà Hương đánh giá rằng việc học trực tuyến hiện nay tại Việt Nam còn có sự chênh lệch tham gia giữa các địa phương, học sinh các bậc học tham gia chưa đồng đều, mà tăng dần từ cấp tiểu học đến THPT.
Việc áp lực thi cử cũng dẫn đến tình trạng học sinh cuối cấp học trực tuyến nhiều hơn và tập trung ở các môn toán, văn, tiếng Anh.
Thông qua học trực tuyến, những vấn đề bất bình đẳng được lộ rõ. Bà Hương cho biết: “Hình thức học này đòi hỏi tính tự giác cao của học sinh. Tuy nhiên, do độ tuổi, ý thức của các em trong việc tự học và tuân thủ các quy định của lớp học còn chưa cao cần có sự hỗ trợ của phụ huynh”.
Vi cần sự hỗ trợ từ bố mẹ nên trình độ học vấn, điều kiện kinh tế của cha mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc học tập tại nhà của các em.
Ở đây, chuyên gia thông tin, chỉ riêng năm học 2021-2022 trên thế giới có thể sẽ có thêm 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên sẽ phải bỏ học hoặc sẽ không còn được tiếp tục đến trường.
Ngoài ra, việc không được đi học kéo dài khiến cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc giảm khiến ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của các em học sinh.
Với 400 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó có 150 đại biểu tham dự trực tuyến. Diễn đàn khoa học năm 2021 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thu hút đông đảo ý kiến trao đổi và phản biện của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia của nhiều bộ, ngành và địa phương.