Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 5, 10/10/2024 08:30

Sản phẩm OCOP đã mở ra cơ hội phát triển cho các nông sản địa phương, tuy nhiên hiện vẫn gặp khó trong phát triển thị trường. Vậy nên chuyển đổi số đang là một trong những cách để khách hàng đón nhận.

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ "CHÌA KHÓA" THÚC ĐẨY KINH TẾ NGHỆ AN PHÁT TRIỂN

LTS: Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số ở Nghệ An đang trở thành phương pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, giúp bà con xoá đói giảm nghèo nhanh chóng.

Cải thiện doanh số sản phẩm OCOP bằng chuyển cách thức bán hàng

Trở về quê hương, mở công ty về bột mầm ngũ cốc cao cấp từ năm 2018, anh Phạm Văn Long (SN 1991), trú xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đặt niềm tin rất lớn sẽ đưa sản phẩm này vươn xa trên thị trường.

Thế nhưng, nhiều năm nỗ lực, các sản phẩm không được người tiêu dùng đón nhận đúng như mong muốn. "Bột mầm ngũ cốc của công ty được chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất cao, giá cả sản phẩm cũng không đắt, qua khảo sát thì những người sử dụng cũng rất thích. Thế nhưng doanh số không được như kỳ vọng", anh Long nói.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 1.

Mặc dù được tập trung đầu tư về chất lượng nhưng thời gian đầu bột mầm ngũ cốc cao cấp chưa thể phát triển ra thị trường.

Thay đổi bắt đầu từ năm 2022, bột mầm ngũ cốc cao cấp của đơn vị được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây cũng thời điểm thị trường chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị sản xuất phải đóng cửa do không bán được hàng.

Nhưng với tuy duy của người trẻ tuổi, anh Long nhận thấy trong sóng gió là cơ hội để công ty vươn mình phát triển. Anh quyết định thay đổi mô hình kinh doanh.

"Từ năm 2022, tôi chuyển từ bán hàng truyền thống sang online, tức là đưa sản phẩm lên mạng xã hội và chạy quảng cáo. Hiệu quả đạt được gần như tức thì, ngay trong năm 2022 – 2023, doanh số đã tăng gấp 4 lần so với trước đây", anh Long nói.

Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2024, doanh số tiếp tục tăng thêm 10% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ con đường của đơn vị đã đi đúng hướng, tạo nền tảng cho anh Long tiếp tục phát triển sản phẩm phù hợp với địa phương.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 2.

Thay đổi nền tảng bán hàng, sản phẩm của anh Long đã tăng doanh số gấp 4 lần trước đây.

Trước đây, đồng bào Thái tại bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương trồng cà chua múi chỉ biết trông cậy vào thương lái để tiêu thụ. Tuy nhiên, năm 2021, sản phẩm này đều đạt OCOP 3 sao và được kết nối tiêu thụ thì sản lượng tăng lên rất nhiều lần.

Đặc biệt, khi đến lứa thu hoạch, đại diện UBND xã, Chủ tịch Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ra tận ruộng, hướng dẫn bà con cách livestream, cách chốt đơn, cách tương tác với khách hàng...

"Ban đầu chỉ có những hộ trẻ hưởng ứng, tuy nhiên thấy sản lượng bán ra nhiều nên mọi người bắt đầu học theo. Giờ đây, hầu như bà con đều biết cách bán nông sản qua mạng", ông Lương Văn Toàn, một hộ sản xuất rau sạch ở bản Phòng chia sẻ.

Tại bản Phòng có trên 3ha với 25 hộ tham gia trồng rau sạch, trong đó, tập trung vào các loại cây trồng bản địa như: cà chua múi, cà ngọt… với sản lượng lên đến hàng chục tấn/năm. Sản xuất theo hướng VietGAP, là những đặc sản được thị trường ưa chuộng.

Vì vậy, giờ đây tất cả quy trình từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hái được nhiều hộ quay lại đăng trên nền tảng số hoặc phát trực tiếp trên trang cá nhân, qua các hội nhóm, gắn thẻ bạn bè. Nhờ đó, thương hiệu rau sạch bản Phòng được người tiêu dùng biết đến, nhiều người kết nối được với các hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 3.

Tính đến thời điểm này toàn huyện Tương Dương có 21 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, trước đây, người dân chỉ biết làm ra sản phẩm, còn việc tiêu thụ đều phó thác cho thương lái và bán lẻ ở chợ địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chính người dân đang làm tốt công tác bán hàng.

"Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết đưa các nông sản lên mạng để tìm kiếm thị trường tiêu thụ", ông Hiến nói.

Hỗ trợ sản phẩm OCOP bằng sàn thương mại điên tử

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết, Nghệ An là tỉnh đất rộng, dân số đông, thổ nhưỡng tốt, với hơn 84% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Vì vậy, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong những năm qua, việc thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 4.

Kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Nghệ An trên nền tảng trực tuyến là cách đưa nông sản đến gần người tiêu dùng.

Chương trình này đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường…

"Chương trình đã tạo cơ hội để tỉnh phát huy tiềm năng, phát triển các sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng, miền, địa phương thuộc tỉnh. Cũng nhờ đó mà người dân, đặc biệt là bà con vùng cao, có nhiều cơ hội xoá đói giảm nghèo, thậm chí là vươn lên làm giàu nhờ nông sản quê hương", ông Lợi nói.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò lao động nữ và lao động đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 5.

Thông qua hoạt động livestream nhằm tăng sự tương tác giữa người tiêu dùng với các đơn vị sản xuất.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa được khai thác và đăng ký tham gia. Ngoài ra, có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại.

"Nguyên nhân chính vẫn là do nhiều sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Chỉ khi giải quyết được việc này thì các sản phẩm OCOP thực sự giúp bà con làm giàu", ông Lợi thông tin.

Để giúp người dân phát triển thị trường, Nghệ An đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử.

"Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã hỗ trợ mở gian hàng cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là cách thức bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, giúp sản phẩm của người dân tiếp cận khách hàng", ông Lợi nói.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử- Ảnh 6.

Thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà sản xuất cung ứng từ phạm vi, quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy kinh doanh trên nền tảng số.

Đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp, thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ.

Tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh Nghệ A đã có 266.373 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 300.047 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng; 8.836 sản phẩm được đưa lên sàn, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

Sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, Nghệ An hiện có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, có 529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và 2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.

Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 4: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.