Lênh đênh cùng biển đảo
Cụ Mười kể rằng, hồi thanh niên, khi quyết định ra đi, ngoài tâm nguyện là tu tập, đem kiến thức nghề y hành đạo cứu người, cụ còn một lý tưởng khác nữa là hoạt động cách mạng. Vì thế, hồi Pháp thuộc, có thời gian cụ bí mật hoạt động trong một ngôi chùa ở Sài Gòn, vừa làm thuốc vừa làm cách mạng.
Tuy nhiên, bị bọn mật thám tố giác, cụ phải dùng lý lẽ tự bào chữa và may mắn thoát nạn. Thấy không thể tiếp tục ở đây nên vị lương y này đành xuôi phương Nam. Nghe người dân đồn đại Phú Quốc có những khu rừng nguyên thủy với nhiều cây thuốc quý, cụ Mười lập tức vượt biển ra đảo.
Ngày đặt chân lên Phú Quốc, xuyên qua những khu rừng hoang, nhìn thấy nhiều cây thảo dược quyá́, cụ mừng đến phát khóc: "Tôi đã tìm ra kho thuốc khổng lồ mà bấy lâu không ai biết". Tại đây, cụ đến sống ở chùa Phước Thiện, một ngôi chùa của đạo Tịnh độ Cư sỹ Phật giáo Việt Nam (nay là chùa Hưng Quốc, thị trấn Dương Đông). Ở đây, vị lương y cao đạo vừa tu tập, vừa làm thuốc. Thời gian sau, cụ Mười một mình lên núi Chùa lập am. Phòng thuốc Nam của cụ đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người nên chẳng mấy chốc nổi tiếng xa gần.
Điều cụ Mười trăn trở là chưa có đệ tử ruột lĩnh hội được y thuật mà cả cuộc đời cụ đúc kết.
Lúc rảnh, cụ thường một mình vào các khu rừng lấy thuốc. Cụ Mười bảo, hồi đó, ống thuốc ở đảo nhiều đến nỗi chỉ cần vào rừng là có thể mang về hàng tải, thích hái bao nhiêu cũng được. Ở đây thiên nhiên thuận lợi, cây cối quanh năm tươi tốt, cây thuốc rất dễ phát triển. Hơn nữa, trên đảo, có nhiều loại thảo dược quý mà trên đất liền không tìm đâu ra được. Thế rồi, những năm nghèo đói, đảo Phú Quốc trở thành điểm nhập cư của dân từ khắp nơi đến lập nghiệp. Rừng Phú Quốc vô chủ, người ta đến khai thác ồ ạt, khiến nhiều loài gỗ quý và cây thuốc bị mất đi. Nhìn cảnh tượng đó, cụ không khỏi đau lòng.
Cụ Mười kể lại, phòng thuốc Nam trên đảo được cụ lập tại núi Chùa từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Chỉ một thời gian ngắn, nơi đây đã quy tụ được rất nhiều đệ tử và chữa khỏi cho hàng trăm người mắc bạo bệnh. Ngày đó, trên đảo ít dân, không bệnh viện, hễ có bệnh tật gì, người dân từ đầu đảo đến cuối đảo đều tìm đến gõ cửa phòng thuốc của cụ. Có những lúc, phong trào cách mạng trên đảo bị khủng bố, phòng thuốc cụ Mười luôn nằm trong "tầm ngắm".
Tuy nhiên, địch vẫn không dám ra mặt bắt bớ người trong phòng thuốc. Vì nếu không có cụ thì lúc bệnh tật chẳng còn ai cứu chữa. Đó cũng là cái cớ để cụ "tương kế tựu kế", vừa làm thuốc vừa hoạt động "tình báo" cho phía cách mạng trong những giai đoạn khó khăn.
Ngày ấy, trên đảo chỉ một mình cụ chữa bệnh nên nhiều khi bọn giặc mắc bệnh, dù không muốn chữa nhưng cụ vẫn phải bốc thuốc cho chúng. Hơn nữa, khi lấy được niềm tin của bọn sĩ quan, cụ Mười sẽ lấy được nhiều tin tức cho cách mạng. Cũng nhờ vậy cụ được chúng tạo điều kiện đi lại tự do bằng cái "giấy chứng nhận lương y". Qua những chuyến "đi rừng kiếm thuốc" đó mà cụ có điều kiện lấy thông tin, bí mật cung cấp cho cách mạng.
Hôm trở lại am ông Mười ở đảo Phú Quốc, chúng tôi tình cờ gặp bà Lê Thị Ba (75 tuổi). Bà là đệ tử của cụ Mười, cũng là nhân chứng sống của những năm tháng cụ vừa làm thuốc vừa hoạt động cách mạng.
Bà Ba kể, thời Mỹ- Ngụy, cụ Mười lập am ở núi Chùa. Ngoài công việc bốc thuốc, cụ còn nuôi giấu, trợ giúp cán bộ cách mạng. Hàng ngày, cụ đều cung cấp tin tức, đưa cơm, dầu thắp sáng vào các căn cứ trong rừng... Phòng thuốc của cụ cũng là nơi các cán bộ cách mạng thường lưu lại. Đặc biệt, năm 1967, bọn biệt kích, lực lượng Hắc Báo nhan nhản trên đảo. Chúng quấy phá, hà hiếp dân lành, cụ Mười là người viết thư cho tổng thống chế độ cũ tố cáo để trấn áp bọn Hắc Báo.
Hi hữu những lần thoát khỏi tay địch
Nhưng cũng sau lần đó, cụ Mười càng bị mật thám theo dõi sát sao hơn. Chính vì thế, vị lương y này buộc phải tạm lánh xuống vùng nhà lao Cây Dừa (nay là nhà tù Phú Quốc, thị trấn An Thới). Cụ Mười còn nhớ như in cái lần suýt bị sa vòng lao lý vì tội "dám nghe đài cộng sản". Lần đó, khi đang nghe tin tức radio phát đi từ vùng giải phóng, vì quá mệt mỏi, cụ thiếp đi lúc nào không hay. Đúng khi ấy, lính ngụy đến và "bắt quả tang". Chúng giải cụ về trụ sở làm việc. Cụ Mười đinh ninh lần này chắc sẽ không thể thoát được. Nhưng may mắn cho cụ là viên thiếu tá khét tiếng tàn ác của quân cảnh Phú Quốc nhận ra cụ là ân nhân.
Trước kia vợ chồng hắn sống với nhau mười mấy năm mà vẫn không có con nên tìm đến phòng thuốc cụ Mười. Chỉ mấy ấm thuốc Nam dược, ít lâu sau, vợ chồng viên thiếu tá đã sinh được đứa con kháu khỉnh. Với ân huệ đó, dù có nghi ngờ nhưng hắn vẫn nói đỡ và "giải quyết" nhanh cho cụ trắng tội. Được thả về nhưng cụ vẫn bị chúng để ý nên đã bí mật xuôi ra hòn Thổ Châu (xã Thổ Châu) xa xôi mà không ai hay biết.
Niềm vui của cụ Mười là được bốc thuốc cứu người.
Tại hòn Thổ Châu, cụ lại tiếp tục hoạt động nghề y, cắt thuốc chữa bệnh cho dân trên đảo. Năm 1975, binh lính chế độ cũ buông súng rút về đất liền. Nhưng không lâu sau đó, bọn diệt chủng Ponpot nổi dậy. Chúng kéo quân sang dọc tuyến Tây Nam nước ta và đổ bộ lên các hòn đảo nhỏ để xâm lược. Tại biển Nam nước ta, sau khi đổ bộ lên đảo Phú Quốc, chúng đã bất ngờ ngược ra tấn công lên đảo Thổ Châu. Chúng lùa hết dân trên đảo lên thuyền rồi chở về bên kia biên giới. Cụ Mười kể: "Trước khi bị bộ đội ta đánh úp, chúng đã lùa dân lên mấy chiếc tàu rồi chở về hướng Campuchia".
"Lần đó, rất may là tôi bị chúng chừa lại, âu cũng là cái phước. Bọn Ponpot tuy hung hãn nhưng chúng lại nể viên ấp trưởng của đảo Thổ Châu, bởi người này biết tiếng Campuchia. Ngày chúng lùa quân lên tàu, một tên Ponpot mặt sắc lẹm nhìn cụ rồi cương giọng hỏi ấp trưởng. Viên ấp trưởng mang ơn cụ Mười nên hết lời xin. Cuối cùng, bọn diệt chủng mới tha cho cụ.
Được ở lại trên đảo, cụ Mười đã vẽ bản đồ đóng quân của bọn lính Ponpot và ghi những thông tin bí mật vào bức thư, rồi giao cho những dân chài nửa đêm chuyển vào đất liền. Nắm được thông tin, bộ đội ta đã bí mật kéo quân ra đánh úp thành công, bắt toàn bộ bọn xâm lược. Nhưng cũng chính sự sống sót của mình mà cụ bị nghi ngờ rằng: "Tại sao mọi người bị bắt mà riêng cụ bị chúng chừa lại". Sau này mối nghi ngờ mới có dịp được thanh minh.
Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, cụ Mười lại rời Thổ Châu quay về Phú Quốc để tiếp tục công việc y đức của mình. Cụ lại cất công gây dựng phòng thuốc, truyền nghề cho những đệ tử. Hiện nay những cán bộ phòng thuốc Nam của hội Chữ thập đỏ thị trấn Dương Đông cũng là học trò của cụ Mười.
Trước kia có nhiều người không biết nhưng theo chân cụ lấy thuốc nhiều thành quen, nay trở thành thầy thuốc. Điều đặc biệt là họ làm công việc bằng tấm chân tình, không màng danh lợi và mục tiêu đều hướng đến những người nghèo.
Kỳ Anh