Thông tin trên VTCNews, theo y học cổ truyền, lá lách và dạ dày là nơi vận chuyển các chất đến tất cả cơ quan trong cơ thể và duy trì hoạt động của chúng.
Khi chức năng của lá lách và dạ dày bị rối loạn, con người sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như béo phì, giảm cân, vô thức chảy nước dãi khi ngủ, chân tay yếu ớt, mệt mỏi… Chưa kể, tình trạng của dạ dày và lá lách còn được biểu hiện qua khuôn mặt. Nếu phát hiện những vấn đề này bạn cần đi khám ngay kẻo hối hận:
Sắc mặt: Khi khỏe mạnh, sắc mặt bạn sẽ hồng hào và căng bóng. Nếu lá lách và dạ dày yếu sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển và chuyển hóa, khiến sắc mặt trở nên vàng hoặc trắng nhợt nhạt.
Sắc mặt vàng, khô sạm cho thấy mắc chứng tỳ khí hư, khí huyết không đủ. Sắc mặt tái nhợt, đờ đẫn, môi và lưỡi nhợt nhạt cho thấy tỳ vị thiếu khí huyết. Sắc mặt vàng và đờ đẫn cho thấy tỳ vị tích ẩm.
Mũi: Mũi có quan hệ mật thiết với dạ dày. Khi sức khỏe bình thường, đầu mũi có màu hơi vàng và sáng bóng. Nếu đầu mũi sẫm màu và khô sạm chứng tỏ dạ dày bị suy kiệt.
Đầu mũi có màu trắng chứng tỏ lá lách, dạ dày thiếu khí huyết. Đầu mũi sưng đỏ và đau cho thấy dạ dày bị nóng. Mũi thường xuyên chảy máu cam, mũi có màu hơi đỏ và kết cấu mỏng, cho thấy lá lách suy yếu.
Mí mắt: Y học cổ truyền cho rằng mí mắt có quan hệ mật thiết với lá lách và dạ dày. Khi sức khỏe bình thường, mí mắt sẽ hồng hào. Nếu mí mắt sưng đỏ là tỳ vị hư nhiệt, mí mắt có màu trắng nhợt là tỳ vị hư nhược, khí huyết không đủ.
Mí mắt không nhắm mắt lại được khi ngủ (ngủ vẫn mở hé mắt) vào ban đêm tức là tỳ vị suy dương, mắt mỏi và khô tức là tỳ vị không vận hành tốt. Mí mắt trên sụp xuống và khó nâng lên, chứng tỏ cơ bị nhão do tỳ vị hư nhược.
Răng và nướu: Theo y học cổ truyền, răng và nướu là nơi phân bố các đường kinh dương của bàn tay và bàn chân, do đó có thể đánh giá chức năng của đường tiêu hóa bằng cách quan sát răng và nướu.
Nếu răng khô, chứng tỏ dương khí trong dạ dày bị tổn hại; lợi đỏ, sưng đau, chứng tỏ dạ dày hỏa vượng; lợi nhợt nhạt chứng tỏ khí huyết ở tỳ vị không đủ; nướu bị chảy máu và hơi thở có mùi hôi chứng tỏ dạ dày bị nóng; lợi bị co rút, chân răng lộ ra ngoài, chứng tỏ dương khí trong dạ dày không đủ.
Môi: Môi có màu trắng và không có máu, cho thấy lá lách và dạ dày suy yếu. Môi khô, bong tróc hoặc sưng đỏ cho thấy lá lách và dạ dày bị nóng. Chảy nước dãi vào ban đêm, nước dãi nhạt và không có vị cho thấy lá lách và dạ dày suy nhược. Nước bọt nhớt và có mùi hôi cho thấy lá lách và dạ dày bị nóng.
Thông tin trên Pháp Luật& Bạn đọc, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, những người bị thiếu lá lách, suy nhược dạ dày hoặc muốn bồi bổ để tránh bệnh tật thì không thể bỏ qua những loại thực phẩm kiện tỳ sau đây:
Thịt bò: Thịt bò được coi là “thần dược” khi bồi bổ lá lách. Loại thịt này giàu protein, lại dễ hấp thu, đa dạng cách chế biến nên rất phù hợp để bồi bổ, tăng cường sức đề kháng cho toàn bộ cơ thể.
Đặc biệt, bản thân thịt bò còn có chức năng bổ khí, dưỡng huyết, bồi bổ chức năng tỳ vị, thích hợp cho người cơ thể suy nhược, tỳ vị suy giảm chức năng, cần điều hòa cơ thể.
Hạt dẻ: Trong y học hiện đại, hạt dẻ chứa rất nhiều vitamin và nhiều loại khoáng chất, vi chất như: magie, đồng, kẽm, canxi, sắt, phốt pho, mangan, selen… không chỉ tốt cho tim mạch, tuần hoàn máu mà còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và ổn định chức năng thần kinh. Trong hạt dẻ còn chứa hàm lượng chất xơ cao giúp giảm nguy cơ táo bón và các biến chứng đường ruột như viêm niêm mạc ruột, rất tốt cho dạ dày.
Còn đối với y học cổ truyền, hạt dẻ được coi là 1 vị thuốc, có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ tỳ kiện vị, bổ thận cứng gân. Còn có thể trị bệnh đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều do thận hư gây ra.
Khoai lang: Khoai lang giàu tinh bột và dinh dưỡng và vi chất như protein, glucid, maltose, mannose, galactose, pentose, các pectin, sterol, acid nicotinic, canxi, mangan, sắt… Không chỉ giúp điều hòa và bổ máu, tốt cho dạ dày, đường tiêu hóa, nó còn giúp bổ tỳ vị, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp ngủ ngon.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoai lang còn có chất chống oxy hóa nên có thể ngăn ngừa ung thư và ngăn chặn xơ cứng mạch máu, vì vậy hãy ăn thường xuyên.
Hạt kê: Kê trong y học còn gọi là tiểu mễ hay các tên khác như bạch lương túc, túc cốc, ngạch túc, cốc tử... Nó thuộc họ lúa (Poaceae), Đông y hay dùng vì có tác dụng bổ trung ích khí, bồi bổ lá lách, giảm bốc hỏa dạ dày, giải độc, giải khát, lợi tiểu tiện.
Khi nhắc đến bồi bổ tỳ vị, chắc chắn không ít người nghĩ ngay đến món cháo hạt kê. Nhưng để bớt nhàm chán và tăng dinh dưỡng, bạn cũng có thể nấu cháo kê chung với nhiều nguyên liệu khác như thịt gà, đỗ xanh, hà thủ ô hay nấu xôi hạt kê, chè hạt kê… để đổi vị.
Ngoài ra, chất Choline trong kê còn có đặc tính ngăn ngừa cả bệnh cứng động mạch. Hay bộ ba chất lecithin, choline, axit glutamic còn giúp bồi bổ hệ thần kinh, tăng cường trí não.
Hồng Anh (Tổng Hợp)