Căn bệnh không thể chữa khỏi hậu Covid-19
Ngày 21/3 trên tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology đã đăng tải những người đã khỏi Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn 40%. Đây là bệnh không thể chữa khỏi, phải sống chung với thuốc cả đời.
Trong nghiên cứu, cứ 100 F0 sẽ có một người tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường sau khi nhiễm nCoV, tỷ lệ tương đương 1%. Tính đến ngày 21/3, Mỹ đã ghi nhận 79,5 triệu người mắc Covid-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều này tương đương dự báo có thể có khoảng 795.000 trường hợp sẽ bị tiểu đường trong thời gian tới. Phát hiện này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy mắc Covid-19 có thể dẫn tới nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis, tác giả chính của nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số chúng ta nghĩ đến ảnh hưởng sức khỏe lâu dài hậu Covid-19 là khó thở, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ. Song, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy F0 khỏi bệnh có thể bị vấn đề về tim, thận và trong trường hợp này là tiểu đường.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Massachusetts, Mỹ, mức độ căng thẳng cao trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 có thể là lý do gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường hậu Covid-19.
Đặc biệt, với bệnh nhân Covid-19, tiểu đường, đặc biệt type II, là yếu tố nguy cơ cao khiến họ phải nhập viện hoặc có thể tử vong. Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy tiểu đường type II là bệnh lý đi kèm ở 22% trường hợp tử vong khi mắc Covid-19. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra trong số các bệnh nhân Covid-19 nặng, 12-16% là những người bị tiểu đường type II.
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng lượng glucose trong máu. Glucose là nguồn năng lượng quan trọng, giúp các tế bào cấu thành cơ, mô và cung cấp “thức ăn” cho não. Người mắc sẽ bị tăng glucose huyết do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi. Do đó, nếu mắc phải, bệnh nhân buộc phải sống chung và dùng biện pháp để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.
Chuyên gia chỉ cách hồi phục sức khỏe sau mắc Covid-19
Tiến sĩ Greg Vanichkachorn, giám đốc Chương trình phục hồi hoạt động Covid tại Trung tâm Y tế Mayo Clinic ở Rochester (Mỹ), cho biết, cách nhanh nhất để hồi phục là ban đầu hãy thực hiện mọi thứ chậm rãi và dễ dàng, sau đó cố gắng tăng dần các hoạt động của bạn.
Giữ đủ nước và ăn uống lành mạnh: Bước quan trọng tiếp theo, chuyên gia khuyến nghị bạn phải luôn giữ đủ nước và ăn uống lành mạnh. Bổ sung nhiều rau, các loại đậu, trái cây, các loại hạt, cá và dầu ô liu và tránh thực phẩm chế biến sẵn và nhiều chất béo.
Tập thể dục thường xuyên: Khi tập thể dục, ban đầu hãy tập trung vào các bài tập tăng sức đề kháng hơn là các hoạt động làm tăng nhịp tim như đi bộ và đạp xe.
Tăng cường sức đề kháng: Tiến sĩ Vanichkachorn nói rằng: “Các bài tập tim mạch là loại hoạt động khó khăn nhất đối với bệnh nhân gặp hội chứng hậu Covid. Thay vào đó, hãy bắt đầu với các hoạt động tăng cường sức đề kháng, chẳng hạn như tập với dây kháng lực, tạ nhẹ, yoga hoặc Pilates – các bài tập cường độ nhẹ. Một khi những bài tập này diễn ra suôn sẻ, bạn có thể tập một số bài tập cardio nhẹ”.
Ngủ đủ giấc: Việc có một giấc ngủ ngon, tập thở và thiền định là những cách tốt nhất để chúng ta thư giãn tinh thần sau khi mắc Covid-19. Theo đó, để có giấc ngủ ngon bạn nên từ bỏ hoặc giảm thiểu việc sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, không tiêu thụ caffeine sau bữa trưa và không tập thể dục trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, hãy tạo một lịch trình bình thường bằng cách thức dậy vào một giờ nhất định, ăn các bữa ăn đều đặn và đi ngủ đúng giờ.
Mắc Covid-19 khiến cơ thể của chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi sau Covid-19 là do cơ thể thiếu dinh dưỡng, tải lượng virus trong cơ thể cao và do bị căng thẳng quá mức. Để ngăn ngừa tình trạng này, khi mắc bệnh chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe thật tốt.
Trúc Chi (t/h theo Zing, VOV, Lao Động)