Các doanh nghiệp lo ngại rằng, phương án này sẽ tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm sức cạnh tranh về dịch vụ vận tải, cả với hành khách lẫn hàng hóa.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM bày tỏ: “Trên cơ bản, tôi đồng tình với đề xuất. Nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh để tránh hiện tượng “phí chồng phí”. Vì thế, trách nhiệm giám sát, phản biện của sở Tài chính rất quan trọng để xác định mức phí và thời gian thu phí với mục đích không làm ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ vận tải nói chung”.
Còn ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nói: “Các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT trên khắp cả nước. Những khoản phí này là gánh nặng của doanh nghiệp và làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng”.
Đại diện hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nhận định, do cạnh tranh gay gắt, hàng loạt doanh nghiệp vận tải thường xuyên phải bù lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản trong thời gian qua.
“Bây giờ, nếu TP.HCM lại thu thêm phí khi đi vào trung tâm thành phố sẽ khiến doanh nghiệp tốn chi phí lớn, lại càng khó khăn hơn”, ông Bùi Văn Quản băn khoăn.
Dù đồng tình với chủ trương hạn chế xe vào trung tâm thành phố nhưng một số chuyên gia đô thị cũng không đồng tình với phương án lập vành đai thu phí.
Đánh giá về đề xuất của sở GTVT TP.HCM, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc thiết lập vành đai thu phí không khả thi về mặt kinh tế và gây bất tiện cho người dân.
“Để thu phí xe từ nơi khác vào trung tâm, cơ quan chức năng bắt buộc chủ xe phải gắn chip trong khi đây là quyền cá nhân của chủ xe. Nếu bắt buộc gắn chip nhưng chủ xe chỉ dùng một vài lần thì rất lãng phí. Dù đề xuất này dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Thụy Điển,..nhưng khi tham khảo kinh nghiệm cũng cần có sự chọn lọc”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Còn Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nhận định: “Điều quan trọng trong quy hoạch dự án là sự bố trí hợp lý của các trạm thu phí để lập thành vành đai. Vị trí lập trạm thu phí phải đảm bảo không ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và các hoạt động giao thông khác. Để làm được điều này, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ lưỡng cùng với sự góp ý của nhiều cơ quan khác”.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM mới đây đã đề xuất dự án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông".
Theo đề xuất này, TP. HCM sẽ thu phí đối với ô tô lưu thông vào trung tâm (không thu chiều ra). Mức thu phí dự kiến áp dụng từ 40.000 - 60.000 đồng/lượt xe (tùy loại ô tô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn), không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ.
Phương án triển khai được đề xuất là hình thức đầu tư công (giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu nộp về ngân sách).
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm thành phố, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng tại TP. HCM.