Tại một số nước trên thế giới, gà dai hay phụ phẩm từ gà, chân, cánh… thường chỉ dùng làm thức ăn cho chó, mèo. Thế nhưng, tại Việt Nam sản phẩm này lại được coi là đặc sản, thơm ngon, bổ rẻ.
Thật không khó bắt gặp những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội facebook như: “Khách hàng của em, đối tác của em cứ yên tâm đi. Gà ngon, giá hợp lý, cơ chế hấp dẫn. Sản phẩm sắp có bảng phân tích giá trị dinh dưỡng, các hàm lượng trong sản phẩm. Đặt hàng ngay giá chỉ từ 70 - 80 – 90.000 đồng/con”.
Hay “Đây là gà Hàn Quốc xịn chuẩn, có giấy tờ hải quan, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, không bán gà kém chất lượng, giá phải chăng, ai mua nhanh thì đặt”.
Điều đáng chú ý ở đây là giá cả của loại gà dai Hàn Quốc này được rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ dao động từ 65 đến 80.000 đồng/con (mỗi con khoảng 1,2kg không đầu, chân, bỏ lòng mề).
Trong vai một khách lẻ muốn nhập số lượng nhiều gà dai Hàn Quốc, người rao bán trên mạng có tên M. cho biết gà đang nhập về nhiều vài nghìn con nên muốn lấy bao nhiêu cũng được. Giọng của người bán hàng đon đả: “Bên chị sẵn hàng, công ty vừa nhập mười mấy nghìn con trong tủ đá. Còn giá cả, quan trọng em lấy được bao nhiêu con. Hiện tại, chị đang bán lẻ 70.000 đồng/con, còn lấy số lượng khoảng 20 con thì 55.000 đồng/con, lấy nhiều hơn chút thì bớt được một chút nữa. Bán gà lãi ít lắm, chủ yếu bán cho công ty chạy theo số lượng”.
Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chị M. khẳng định chắc nịch: “Chị đảm bảo với em là gà dai Hàn Quốc xịn, chuẩn 100%, có giấy tờ kiểm định dấu đỏ chót. Nên yên tâm và mua của chị không cần phải suy nghĩ gì”.
Thắc mắc về giá cả của gà dai Hàn Quốc so với gà ở trong nước, người phụ nữ này cũng giải thích: “Gà dai Hàn Quốc là gà đẻ trứng, đẻ vài lứa và năng suất giảm nên mang đi thịt để phục vụ người tiêu dùng. Để giảm chi phí nhập khẩu nên đã chặt bỏ đầu, chân, lòng mề...”.
Là một người đã dùng thử sản phẩm gà dai Hàn Quốc, chị An Linh cho hay: “Cả nhà tôi rất thích ăn món gà dai Hàn Quốc, vì vừa dai vừa ngọt ăn khác hẳn gà công nghiệp ở Việt Nam. Thật ra cũng có nhiều người lo ngại về giá thành của sản phẩm rẻ, nhưng khi mua tôi cũng đã hỏi và họ xuất trình được dấu đỏ kiểm chứng, trong đó tôi mua ở những cửa hàng, cơ sở uy tín nên cũng không lo lắm”.
Cũng chia sẻ với PV, chị Mai (Hà Nội) bày tỏ: “Thấy bạn tôi quảng cáo ăn loại gà này rất ngon, nên tôi cũng đã đặt mua từ bạn về để ăn thử. Tôi mua một con về luộc hai vợ chồng ăn thấy ngon. Thịt dai, thơm và ngọt. Với mức tiền như vậy mà ăn thịt lợn mãi cũng chán, mua gà dai về ăn vừa đổi vị lại dễ ăn”.
Trao đổi thêm với PV, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Các con gà sau một quy trình sinh sản, đẻ trứng được người dân đem bán. Tại Việt Nam, không có sự phân biệt giữa gà thải loại với gà thường nên mới có chuyện người dân mang gà đi bán giấu giếm, thậm chí nói gà thải là gà thường, chưa qua lứa nào. Còn nếu công khai, có mã hiệu thì gà trong nước cũng bán không hề rẻ.
Còn tại các nước trên thế giới, gà đã qua khai thác, có những trang trại số lượng gà lên đến hàng trăm ngàn con. Nên mỗi lần gà thải ra rất lớn, ăn không hết nên họ mang đi giết mổ, để đông lạnh và mang xuất khẩu các nước”.
Nhiều người lo ngại về độ độc hại, ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm: “Hiện tại, nếu nói ăn gà dai có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì chưa có đánh giá, hoặc phải đánh giá cụ thể về hàm lượng dinh dưỡng chứ không thể nói khơi khơi. Nhưng theo tôi, không có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phải hiểu rằng, nền sản xuất công nghiệp, khi họ thịt gà ở quy mô công nghiệp thì chi phí rất rẻ, nên bán với giá rẻ là chuyện dễ hiểu. Không ai làm giả cả con gà được, bởi chi phí làm gà giả còn đắt hơn nhiều”.