Thời gian gần đây, câu chuyện tổ chức lớp chuyên ngay từ bậc THCS, hay không có cấp THCS trong trường chuyên lại một lần nữa được dư luận quan tâm. Mặc dù đã có quy định rõ tại Luật Giáo dục 2019, và được thảo luận từ lâu nhưng đến nay vẫn không ít phụ huynh kỳ vọng mong muốn cho con học lớp chuyên ngay khi vừa rời bậc tiểu học.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đánh giá hệ thống trường chuyện có cả mặt lợi lẫn mặt hại.
Theo đó, chuyên gia cho rằng trường chuyên đóng vai trò không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. “Mỗi người đều có thế mạnh riêng và nếu phát hiện sớm, đầu tư cho các em phát triển đúng thế mạnh thì sẽ đào tạo được nhân tài”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chúng ta vẫn tồn tại những quan niệm sai lầm cho rằng trường chuyên, lớp chọn là để chạy theo thành tích, phục vụ cho các cuộc thi học sinh quốc gia hay quốc tế.
“Suy nghĩ như vậy thì không phải, vì đào tạo nguồn đào tạo chất lượng cao, cần phải xây dựng lại chương trình cho trường chuyên phù hợp hơn”, ông Lâm cho hay.
Lý giải kỹ hơn, vị chuyên gia phân tích việc học sinh theo học trường chuyên không nên chỉ rèn môn chuyên của mình, mà phải được rèn luyện toàn diện, thực chất giúp cho các em có đủ khát vọng để cống hiến cho đất nước.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu rõ: “Đối với học sinh ở lứa tuổi THCS, THPT đang phát triển và hoàn thiện bản thân cho nên có thể lúc này có thế mạnh này, nhưng lúc khác là thế mạnh khác. Vì vậy các em phải được tìm hiểu, tự chủ trong việc tự phát triển tài năng của mình. Hiện nay, chúng ta đang theo hướng giảng dạy đồng loạt, thay vào đó cần xây dựng môi trường học tập sao cho học sinh vừa học tập theo quy luật chung và có nội dung cụ thể tác động để phát triển những tài năng riêng có của các em”.
Chuyên gia cũng cho rằng chúng ta vẫn chạy theo hình thức nên không đúng với chức năng của trường chuyên.
“Những học sinh trường chuyên, chú trọng môn chuyên mà bỏ qua các môn khác như vậy sẽ làm mất cân bằng cho phát triển của trẻ. Nhất là khi đào tạo ngay từ cấp 2, với chương trình học quá nặng, làm quá nhiều bài tập nhưng không được rèn luyện tố chất khác của đứa trẻ thì có thể lợi bất cập hại”, ông Lâm bày tỏ.
Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, các vấn đề nào đã được thảo luận từ lâu và có quy định cụ thể trong Luật Giáo dục thì cần nghiêm túc thực hiện.
“Nếu cứ tạo ra những tiền lệ đặc thù và không phù hợp với luật thì sẽ làm cho tính thực thi pháp luật kém đi”, ông Hiệp cho hay.
Ông cho rằng, hiện nay Chương trình GDPT 2018 ở khối THCS đã triển khai tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, không còn những môn chuyên như chuyên Hóa hay chuyên Lý,… vì vậy việc tồn tại lớp chuyên ở khối này là không hợp lý.
“Dựa theo năng lực, chúng ta không thiếu phương pháp bồi dưỡng tài năng trẻ và không cần phải theo mô hình lớp chuyên. Chúng ta có chương trình khung và có lớp bổ trợ, qua đó có thể bồi dưỡng các em học sinh, thay vì cứ phải học trong một lớp chuyên, môn chuyên”, TS. Phạm Hiệp chia sẻ.
Đối với phụ huynh, ông Hiệp cũng cho rằng cần có cái nhìn đổi mới, tích cực và không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. “Như vậy chỉ có gây áp lực cho gia đình, học sinh. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ, bởi hiện nay có rất nhiều lựa chọn khác nhau, một số trường đã triển khai các lớp năng khiếu, câu lạc bộ để đào tạo học sinh, vì vậy không nhất thiết cứ phải học theo một trường”, ông Hiệp nói thêm.
Cuối tháng 1/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT việc tuyển sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025, trong đó có nội dung đánh giá quá trình đào tạo hệ THCS của trường này. Sở đề xuất Bộ cho phép tiếp tục mô hình thí điểm thực hiện hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ cao, đào tạo nguồn học sinh chuyên.
Trả lời ý kiến đề xuất, Bộ đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 "trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, không có cấp THCS trong trường chuyên".
Bộ GD&ĐT nêu rõ mô hình tuyển sinh cấp THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amtesdam không còn phù hợp với quy định. Do đó, Bộ yêu cầu từ năm nay trường này không được tuyển sinh lớp 6.