Chuyển giáo viên sang hợp đồng: Chặn chạy chọt biên chế để an phận!

Chuyển giáo viên sang hợp đồng: Chặn chạy chọt biên chế để an phận!

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 2, 22/05/2017 17:58

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Phó hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội khi trao đổi với PV về việc tiến tới xóa bỏ khái niệm biên chế trong ngành giáo dục.

PV: Mới đây, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng sẽ xóa bỏ khái niệm biên chế, thay vào đó là việc ký hợp đồng lao động. Là người làm trong ngành giáo dục lâu năm, ông nghĩ sao về việc này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang: Theo cá nhân tôi, đây là quan điểm tích cực vì thực tế không chỉ riêng ngành giáo dục mà ở cả các ngành khác, tư duy về biên chế, vào biên chế làm trì trệ và kìm hãm sáng tạo. Nhiều cán bộ khi đã vào biên chế rồi thì mặc nhiên cứ "tàng tàng" công tác, vài năm lại lên lương, dẫn tới ở một bộ phận thiếu tinh thần phấn đấu và tu dưỡng để hoàn thành tốt hơn công việc họ đảm nhận.

Trên thực tế, nếu chuyển từ biên chế sang ký hợp đồng đối với những cán bộ, giáo viên có năng lực và tâm huyết thì không có gì thay đổi lắm vì xã hội luôn cần những người như vậy, mặt tích cực là sẽ giúp hạn chế những cán bộ, giáo viên kém năng lực, chạy chọt để kiếm một chân biên chế an phận. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực khác với khối hành chính nên việc tinh giản biên chế cũng sẽ có đặc thù và khó khăn hơn.

Giáo dục - Chuyển giáo viên sang hợp đồng: Chặn chạy chọt biên chế để an phận!

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang. 

PV: Nhiều giáo viên lo lắng, nếu chuyển sang chế độ hợp đồng, họ sẽ mất đi những khoản thu nhập ổn định như: Thâm niên, lương hưu. Nhất là khi lương giáo viên thấp, giờ lại chuyển sang hợp đồng, họ khó gắn bó với nghề, ông suy nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang: Tôi nghĩ khi chuyển từ biên chế sang hợp đồng thì các chế độ chính sách như thâm niên, lương hưu không có gì thay đổi, thậm chí nếu sắp xếp lại bộ máy hiệu quả hơn thì có thể các chính sách này sẽ được đảm bảo hơn, tất nhiên là đối với với các thầy cô, cán bộ có năng lực, tâm huyết với nghề. Chính sách mới thì bao giờ cũng có những hiệu ứng ban đầu chưa tạo được sự đồng thuận vì từ trước tới giờ, mọi người đã quen với khái niệm biên chế và coi đó như ngôi nhà rất an toàn khi đã vào được đó.

PV: Hiện nay, biên chế giáo viên chiếm phần khá lớn trong ngân sách. Việc này có phải là nút thắt trong việc giảm ngân sách Nhà nước và kích thích nền kinh tế? Trong bối cảnh các trường chuyên nghiệp đang tự chủ thì đây có phải động thái tự chủ toàn ngành giáo dục?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang: Ngành giáo dục rất khó tự chủ hoàn toàn được vì có những đặc thù như ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng khác nhau. Chúng ta có thể dễ dàng tự chủ ở bậc đại học nhưng sẽ rất khó tự chủ ở các bậc dưới nên việc hy vọng giảm ngân sách Nhà nước cho giáo dục sẽ không khả thi trước mắt. Chúng ta hy vọng việc đổi mới này sẽ tạo ra chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tốt hơn, từ đó có ảnh hưởng tốt với chất lượng đào tạo.

Và như vậy, các trường cũng sẽ phải cân đối xem sử dụng đội ngũ sao cho hiệu quả, hạn chế bớt được tiêu cực trong giáo dục. Tuy nhiên cũng phải lưu ý vì chính sách có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế là có thể là công cụ để loại bớt những cán bộ, giáo viên có tinh thần đấu tranh thông qua việc bỏ phiếu, bình xét hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Có nhiều ý kiến quan ngại rằng, sau khi bỏ khái niệm biên chế sẽ dẫn đến việc tăng quyền lực của hiệu trưởng. Theo ông, quan ngại này có cơ sở?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang: Quan ngại này cũng có cơ sở, tuy nhiên để hạn chế vấn đề này, thời gian vừa qua, Nhà nước cũng như các cơ quan đã và đang tiếp tục bàn về tăng vai trò của hội đồng trường để hội đồng trường trở nên thực chất có thực quyền.

PV: Để làm tốt việc bỏ biên chế, theo ông, ngành giáo dục cũng như các cơ quan liên quan phải làm sao để đạt hiệu quả cao nhất, vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa yên lòng cán bộ, giáo viên?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang: Phải có tổng rà soát biên chế trong toàn bộ ngành giáo dục để xác định lĩnh vực nào cần bỏ, lĩnh vực nào không những không bỏ biên chế mà cần hỗ trợ hơn (vùng sâu, vùng xa, đặc thù...). Tiếp đến là phải xây dựng được các tiêu chí rõ ràng, minh bạch để thi tuyển giáo viên công khai nhằm chọn thầy ra thầy. Tiếp tục củng cố, nâng cao thu nhập cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ trong ngành giáo dục để cán bộ có năng lực yên tâm công tác.

Cũng cần có các hình thức tuyên truyền để cán bộ, giáo viên "quen" dần với việc sẽ không còn biên chế nữa. Đó cũng là xu thế tất yếu mà không riêng gì ngành giáo dục phải thích nghi.

Công Luân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.