Chuyện ít biết về người phụ nữ tri kỷ của nhà thơ Nguyễn Bính

Chuyện ít biết về người phụ nữ tri kỷ của nhà thơ Nguyễn Bính

Thứ 2, 11/11/2013 11:49

Bà là vợ của cố thi sỹ danh tiếng Nguyễn Bính, và là con của một chí sỹ yêu nước hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp sát hại. Ngoài ra, bà còn là một nhà báo, một chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật trong chiến khu vùng Nam Bộ thời chống Mỹ. Người phụ nữ trên chính là bà Nguyễn Hồng Châu.

Ký ức hào hùng của con nhà cách mạng

Tôi đến thăm tư gia của bà Châu ở quận Gò Vấp (TP.HCM), đồng thời là nhà lưu niệm về người chồng danh tiếng của bà: Nhà thơ Nguyễn Bính. Nơi đây lưu giữ khá nhiều hình ảnh, di vật và những tác phẩm của ông. Trao đổi với tôi, bà Châu cho biết bà là con út trong gia đình có năm anh chị em. Mẹ của bà, bà Nguyễn Thị Tân, tên gọi khác: Phạm Thị Chơn, xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Bà có một người em trai hoạt động cách mạng và bị địch giết. Bản thân bà cũng là người có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước chống Pháp thời đó. Sau này, bà xuống Trà Vinh sinh sống.

Tại đây, cha của bà Hồng Châu cũng là một chí sỹ, đã gặp mẹ của bà và lấy nhau. Thời trẻ, ông làm việc trong ban Ngự y của nhà vua Duy Tân. Sẵn mang trong mình dòng máu yêu nước, gặp buổi nhiễu nhương lại được tiếp sức bởi ông vua yêu nước Duy Tân và các nhà yêu nước khác, ông đã bí mật tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Lúc hoạt động, ngoài những tên Nguyễn Tích, Nguyễn Nhi, ông lấy bí danh là Nguyễn Gia Lạc. Phong trào bị lộ, ông bị giặc Pháp đưa vào quản thúc tại Bến Tre. Về sau, ông chuyển qua Trà Vinh sống vì khi đó một bạn đồng chí của ông là ông Nguyễn Quyền từng hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đang lánh nạn tại Trà Vinh.

Thời gian sau nhờ một biến cố nhỏ, nên sự quản thúc của giặc Pháp với ông có phần lơi lỏng. Chuyện là có tên quan Ba của Pháp chỉ huy ở đó bị một cây đinh cắm vào chân làm cho nhiễm trùng. Các bác sỹ Tây y ở đó không chữa lành được. Họ bảo phải về Pháp chữa thì mới lành, nếu không thì phải cưa chân thì mới bảo toàn được tính mạng. Tên quan Ba không chịu, y biết cha bà trước từng làm Ngự y nên triệu đến gọi tới chữa cho hắn. Được lệnh đòi cha bà thu xếp đi. Ông nói với mọi người rằng: "Nó là kẻ thù của dân tộc mình, lẽ ra tôi không cứu. Nhưng tôi là thầy thuốc, nó là con bệnh. Làm thầy thuốc thì phải cứu người, dù đó là ai đi nữa...". Đến nơi, ông dùng một thứ thuốc đắp lên vết thương. Ít ngày sau, vết thương không còn mủ, cây đinh lòi ra và được nhổ đi. Sau đó, ông đắp thêm thứ thuốc khác vào. Vài tuần sau, tên quan Ba khỏi bệnh. Để trả ơn, hắn cho phép ông được tự do đi lại hơn nhưng vẫn chịu sự quản thúc.

Ít lâu sau đó, ông bị giặc Pháp sát hại. Bà Hồng Châu kể: "Hồi đó ông Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuống Trà Vinh quyên tiền cho phong trào cách mạng. Ông có liên hệ với ba tôi nhờ ông giúp đỡ. Sau đó việc bại lộ vì địch theo dõi ông Trần Phú được báo trước nên kịp thời lánh đi. Trước khi đi, ông có viết lá thư bằng chữ Hán cho ba tôi nói việc đã lộ, nên đề phòng. Nào ngờ khi liên lạc vừa đưa thư cho ba tôi, ông mới đọc đang đốt thư thì giặc Pháp ập vào. Lá thư lúc ấy chỉ còn một góc và bọn Pháp không đọc được do thư viết bằng chữ Hán. Nhưng do nghi ngờ từ trước nên chúng vẫn bắt ba tôi đi. Sau đó chúng tra khảo ông. Chúng hỏi: "Có biết Trần Nguyên Phổ ( một tên gọi khác của Trần Phú- PV) là ai không?" Ba tôi nói: "Tôi không biết ông Phổ, ông Huyện nào hết". Sau nhiều lần tra khảo không được, chúng đánh ông cho đến chết...".

Xã hội - Chuyện ít biết về người phụ nữ tri kỷ của nhà thơ Nguyễn Bính

Bà Hồng Châu, vợ nhà thơ Nguyễn Bính, bên ban thờ nhà thơ tại tư gia, cũng là Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính.

Bài báo tâm đắc nhất

“Gặp nhau thuở  tóc còn xanh giờ  đây gặp lại tóc xanh phai màu”

Năm 1966, Nguyễn Bính ra đi đột ngột tại quê nhà, tỉnh Hà Nam. 15 năm sau ngày Nguyễn Bính ra đi, bà Hồng Châu mới có dịp ra thăm mộ ông. Cảm xúc, bà đã ứng tác bài thơ "Viếng mộ anh Nguyễn Bính". Bà đã đọc bài thơ này trước mộ ông và đốt nó. Bài thơ mở đầu với những dòng cảm động: "Gặp nhau thuở tóc còn xanh/Giờ đây gặp lại đầu xanh phai màu/Tim vàng nửa mảnh còn đau/Thầm thì lòng đất thơ sao xé lòng...". Những vần thơ đó như nói hộ tiếng lòng cho bà, tiếng lòng tha thiết của một người vợ tri âm, chung thủy.

Đó là vào năm 1930. Lúc ấy, bà Châu khoảng 10 tuổi mồ côi cha, mẹ đang  bị giam giữ do những hoạt động yêu nước trước đó của mình. Bà được ông Võ Quành, một bạn đồng chí với cha bà đưa về nuôi và cho ăn học. Ít lâu sau, mẹ bà được tự  do nên đón bà về ở cùng. Do hoàn cảnh, bà phải học vào ban đêm và học theo dạng bán công như bây giờ. Lớn lên mang nặng nợ nước thù nhà, bà vào bưng biền bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ có trình độ, bà được phân công làm Thư ký cho Tỉnh Ủy Trà Vinh. Thấy bà có năng khiếu, cấp trên giao bà nhiệm vụ viết báo. Bài báo tâm đắc nhất của bà có tên "Thanh niên mau thức tỉnh" từng gây tiếng vang thời đó. "Hồi đó làm báo cực và nguy hiểm lắm, không như bây giờ vì phải hoạt động bí mật. Cũng không có trường lớp nào dạy cách viết báo cả, ai có khiếu thì viết thôi. Khi viết ra, báo được in bằng thạch rồi phát hành một cách bí mật...", nhớ lại thời làm báo, bà tâm sự.

Năm 1940, thời Nam Kỳ khởi nghĩa, bà bị bắt. Từ năm 1941- 1943 bị giam ở bót Catina- Sài Gòn, sau 1943, bà bị giải về Trà Vinh. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, bà được tự do và ở lại Trà Vinh hoạt động với chức vụ là Đoàn trưởng Phụ nữ tỉnh Trà Vinh kiêm phó ban Trinh thám đỏ. Đoàn Phụ nữ này đóng giả làm những người đi chợ để do thám tình hình của địch rồi báo lại cho cấp trên. Còn ban Trinh thám đỏ thì có nhiệm vụ truy tìm những kẻ phản động, Việt gian để báo cho đồng đội thủ tiêu. Sau đó, bà tham gia giảng dạy môn Văn ở trường Thiếu sinh quân Quân khu 9. Năm 1946, Pháp trở mặt đánh chiếm lại Nam Bộ. Sau nhiều tháng chống cự anh dũng, do chênh lệch về lực lượng, tỉnh Trà Vinh bị Pháp chiếm đóng, bà liền đi theo bà Nguyễn Thị Huệ, vợ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, xuống Bạc Liêu tiếp tục hoạt động trong phong trào tiếp tế cho mặt trận... Trong quá trình hoạt động cách mạng đó, bà đã gặp nhà thơ Nguyễn Bính.

Bén duyên cùng Nguyễn Bính sau lần trú mưa

Khoảng giữa năm 1950, bà gặp nhà thơ Nguyễn Bính trong một dịp tình cờ. Bà Hồng Châu nhớ lại: "Bữa đó tôi đang đụt (trú) mưa ở nhà sách Ánh Sáng của anh Tô Hà thì gặp nhà thơ Nguyễn Bính cùng anh Lê Duẩn, sau này là Tổng bí thư. Trời mưa dai dẳng nên anh Tô Hà nói mọi người ở lại ăn cơm luôn, và bảo tôi đi làm cá còn anh thì khoác áo lá đi mua thêm đồ ăn. Tôi ra sau kênh làm cá thì nhà thơ Nguyễn Bính cũng ra theo, ngồi xuống bên cạnh. Tôi mới hỏi: "Sao anh không vô nhà ngồi chơi với mấy anh mà ra đây cho ướt?". Ổng  nói: "Tôi ra xem chị làm cá...". Tôi nói đùa: "Anh xem làm cá đặng sau này anh chỉ cho vợ anh phải hông?". Sau đó ổng đi vô...”.

Vào bữa cơm, anh Lê Duẩn nói: "Hôm nay nhân trời mưa mà Nguyễn Bính với Hồng Châu gặp nhau. Âu cũng là nhân duyên, thôi Hồng Châu cũng đừng kén chọn nữa, nên ưng Nguyễn Bính đi. Một đằng là nhà thơ, một đằng là nhà báo chắc hợp nhau...". Lúc đó tôi nói: "Em hổng kén chọn gì đâu. Nhưng lập gia đình bây giờ thì em chưa nghĩ tới". Anh nói: "Ba mươi tuổi đầu rồi mà còn chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình, thì còn đợi gì nữa?".

Lúc đó bà Châu mới nói: "Chuyện này em còn phải về hỏi má đặng xem má có chịu hay không, chứ em không dám tự quyết định". Ai dè khi về tôi hỏi thử má, bả nói: "Tao tưởng ai chứ là người yêu nước, hoạt động cách mạng tao gả liền. Bây giờ giả như có đứa Việt gian mà dù có đưa cả đống vàng xin cưới, tao cũng không thèm gả. Còn Nguyễn Bính là nhà thơ, lại làm cách mạng, thì dù nghèo,  không cần sính lễ gì hết, chỉ cần đem trầu cau đến hỏi, tao cũng gả”. Cuối năm 1950, họ thành hôn. Một năm sau, người con gái đầu lòng chào đời. Và cũng là người con duy nhất giữa nhà thơ với bà Hồng Châu. Nhà thơ lấy tên mình cùng tên vợ đặt cho con là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Hiện bà Hồng Cầu là Phó giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM.

Năm 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết, Nguyễn Bính ra Bắc theo diện tập kết. Sau đó, Pháp phản bội Hiệp định nhường cho Mỹ nhảy vào tham chiến với âm mưu kéo dài chiến tranh, chia cắt đất nước. Do chiến tranh, nhà thơ không có dịp trở vào Nam. Trên quê hương nỗi nhớ vợ thương con là cảm xúc để ông viết nên bài thơ "Gửi vợ miền Nam". Xin trích một đoạn: "Mẹ chân cứng đá mòn chờ đợi/ Em khăng khăng đứng mũi chịu sào/ Chín năm xương trắng máu trào/ Lẽ đâu lại chịu công lao dã tràng...".       

Nguyễn Thịnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.