Trong Tây du ký, khi đến núi Bình Đính, mấy thầy trò đụng độ hai yêu quái tài phép đa mưu là Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương. Ngự trị vùng đất Bỉnh Liên Sơn, Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương là nỗi khiếp sợ của sơn thần, thổ địa. Chúng thần thông quảng đại, bắt sơn thần hàng ngày đến phục dịch chúng, giết người không ghê tay.
Dù vậy hai ma vương này muốn ăn thịt Đường Tăng nhưng e sợ Tề Thiên Đại Thánh thần thông quảng đại, biết rằng cậy thế bắt không xong, bèn khéo léo lập mưu lợi dụng lòng từ bi của Tam Tạng. Ngân Giác đại vương biến thành một đạo sĩ ngã gãy chân, máu me đầm đìa ngồi ở mé đường, miệng rên ư ử, kêu van cứu mạng. Gặp Đường Tăng, hắn nói dối rằng tối qua đi làm lễ về gặp hổ dữ, sợ quá ngã lăn vào đá nhọn nên mới bị thương, không ngồi được ngựa, bắt Tôn Ngộ Không phải cõng. Sau đó, Ngân Giác niệm chú khiến hòn núi Tu Di bay ngang rớt xuống khiến Tôn Ngộ Không bị nằm dưới hòn núi. Do một ngọn Tu Di Sơn không thể trấn áp được Ngộ Không, thế nên Ngân Giác đại vương đã chồng thêm 2 ngọn Nga My và Thái Sơn để đè lên Tôn Ngộ Không y như năm nào ở Ngũ Hành Sơn.
Đối đầu Kim Giác – Ngân Giác, Tôn Ngộ Không phải một phen lao tâm khổ trí, hết biến thân thành đạo sĩ lừa lấy bảo bối, giả dạng mẹ của hai tên yêu quái đến dùng chiêu Tôn Hành Giả - Giả Hành Tôn mới đột nhập được vào trong, đoạt lại những bảo bối của Kim Giác - Ngân Giác.
Tuy nhiên, Ngộ Không cũng đã nhiều lần phải lao đao vì 2 món bảo vật là Hồ Lô Tử Kim và Bình Ngọc Tịnh của Ngân Giác - Kim Giác. Trong nguyên tác có đoạn viết, Ngân Giác đại vương cầm Hồ Lô Tử Kim, đáy chổng lên trời, miệng hướng xuống, hỏi Tôn Ngộ Không: “Ta gọi ngươi một tiếng, ngươi dám đáp lại không?”, sau khi Tôn Ngộ Không ơi một tiếng liền bị thu vào hồ lô.
Tương truyền ở thuở hỗn mang, Nữ Oa đã luyện đá vá trời sinh ra linh khí trong trời đất. Lúc này trên núi Côn Luân có một cây bầu Tử Kim cho ra 2 quả. Thái Thượng Lão Quân hái bầu về rồi điểm hóa linh khí, dùng để chứa nước thánh và linh đơn. Sau đó 2 quả bầu này bị Ngân Giác đại vương và Kim Giác đại vương lấy trộm xuống trần gian tác oai tác quái.
Công năng thần kỳ của 2 món bảo bối này là khi sử dụng, chỉ cần gọi tên đối phương, người nào trả lời sẽ bị hút vào, trong vòng 1 giờ 3 khắc sẽ bị tiêu thành nước.
Dù cho, cuối cùng tuy Tôn Ngộ Không vẫn đại thắng, nhưng chúng ta có thể thấy điểm dựa lớn nhất của yêu quái chính là vu thuật hỏi tên của bảo bối hồ lô.
Thực tế, tác giả Ngô Thừa Ân viết nên tình tiết này dựa vào một câu chuyện trong Sưu thần hậu ký của Ngũ liễu tiên sinh Đào Tiềm. Chuyện kể rằng vào thời xưa có một người tên Chu Tử Văn, tên tục là A Thử. Một ngày nọ, Chu Tử Văn lên núi đi săn thì bất ngờ gặp phải một người khổng lồ cao 18-19m từ trong núi đi ra, tay cầm cung khảm sừng, mũi tên dài khoảng 0,7m. Ngay lúc Chu Tử Văn đang tự hỏi người này là ai thì người khổng lồ đột nhiên kêu: “A Thử!”.
Chu Tử Văn vô ý thức đáp lại: “Ơi!”, sau đó người khổng lồ lập tức giương cung bắn tên, Chu Tử Văn liền “mất hồn” đứng im chịu trận.
Đây chính là “Hắc Vu thuật”, một loại thuật sử dụng tên tục, tên chữ, tên tự… để hại người khác. Ngoài ra, họ tên do cha mẹ đặt cũng có thể dùng trong vu thuật. Do đó các bộ lạc nguyên thủy và người xưa đều giữ kín họ tên của mình, nguyên nhân chính là vì danh tính có một ít “ma lực” đặc thù, có thể liên hệ chặt chẽ với linh hồn và sinh mệnh.
Quốc Tiệp (t/h)