Ấm áp làng phong giữa đại ngàn
Hơn 80 năm trôi qua, cuộc sống của các bệnh nhân phong trên cao nguyên Di Linh khắc nghiệt dần trở nên yên ả. Họ đã dám mỉm cười hoan hỉ chào đón những vị khách viếng thăm trại phong Di Linh như một danh lam thắng cảnh giữa bạt ngàn cà phê vùng đất đỏ. Ân nhân mang niềm vui hòa nhập cho những con người bất hạnh mang trong cơ thể căn bệnh bị đời kỳ thị chính là ông Jean Cassaigne (người Pháp). Những năm 50 của thế kỷ trước, người đàn ông hiền nhân này đã từ bỏ Sài Gòn để lên Di Linh, vùng đất với rừng thiêng nước độc…
Một góc của trại phong
Năm 1973, ông Jean Cassainge qua đời, ngôi làng cùi trên đồi chông chênh, nhưng đôi bàn tay dịu hiền của bà Mai Thị Mậu đã kịp đón nhận trách nhiệm nặng nề mà người thầy đã để lại. Bà Mai Thị Mậu sinh năm 1941, quê Hải Hậu, Nam Định, được nhà dòng cho đi học nghề y và lấy được bằng trung cấp y tá. 32 tuổi, bà chấp nhận thử thách khi một thân chăm lo cho ngôi làng cần tình thương trên đồi.
Đến trại phong Di Linh vào một ngày tháng Giêng nắng ấm, cuộc sống họ vẫn lặng lẽ nhưng không tách biệt, không vắng tiếng cười mà tràn đầy nhựa sống. Người Di Linh tự hào khu điều trị phong do một tay bà Mai Thị Mậu vun đắp trở thành thắng cảnh…
Ông KBrối (61 tuổi) có hơn 20 năm chữa bệnh và trở thành một trong những thành viên đầu tiên của trại phong Di Linh kể cho chúng tôi nghe về những hình ảnh kinh hoàng trong ký ức của người bệnh hủi sống lâu năm ở ngôi làng: "Thuở bà Mậu vừa tiếp nhận trung tâm, hình ảnh những con người không có bàn tay, không có ngón tay bấu víu lấy cái cuốc, cái rựa bằng cọng dây thun, máu đổ trên luống cà phê không có gì xa lạ. Người phương xa có khi hét ầm lên lúc vào làng thấy gương mặt không có sống mũi do vi khuẩn phong ăn mất của những bệnh nhân".
Trong ký ức của họ, không ai quên được những năm tháng bị dân làng xua đuổi, chết dần chết mòn vì đói lạnh và đau đớn. Hay bất hạnh hơn, người bị bệnh phong còn làm mồi cho cọp dữ, những vết thương lở loét dậy mùi, dẫn đường cho thú săn mồi tìm đến. Người cùi cũng không có đủ sức để lê người thoát khỏi lang sói. Nỗi đau ngày trước, giờ đã thành dĩ vãng, người cùi ở Di Linh đã có những mái ấm làm của riêng, có một công việc để tự nuôi sống bản thân và nuôi dạy con cái. Trẻ em của làng lớn lên có thể tự tin hòa nhập với thế giới bên ngoài, được học hành, rồi trở về dạy học, chữa bệnh cho lớp em, lớp cháu của làng phong. Làng có trường học, bệnh viện, có xưởng may dạy nghề cho các em gái để sau này các em có thể sống tự lập. Làng cũng có riêng một nhà trẻ để cha mẹ mấy bé yên tâm đi làm. Dù bận bịu, bà Mậu vẫn dành thời gian đến thăm nhà trẻ, dạy các em hát và nghe tiếng mấy đứa trẻ ngọng nghịu chào sơ.
Chân dung bà mẹ của các bệnh nhân phong giữa đại ngàn Tây Nguyên
Người mẹ của dân cùi
Câu chuyện cổ tích của người cùi ở trung tâm Điều trị bệnh phong Di Linh sẽ không thành hiện thực nếu không có bà Mai Thị Mậu. Cả đời, chưa một ngày, bà Mậu dừng lại và nghĩ hay làm gì đó cho bản thân. Bà chỉ biết cống hiến và tiếp sức cho những bệnh nhân phong đương đầu với số phận nghiệt ngã.
Những thành viên trong trại không ai không biết chuyện kể về những ngày đầu tiên bà Mậu đến nơi đáng sợ này. Nhiều bệnh nhân nơi đây cho biết ngày đầu tiên đến Di Linh, bà Mậu đã gặp một người đàn ông bị hủi ăn cụt tay, hớt hải chạy đến trung tâm nhờ giúp đỡ. Người này nhờ bà đỡ đẻ dùm vợ anh ta, người đàn bà cũng bị bệnh phong đang trở dạ và có dấu hiệu sinh khó. Mặc dù, bà Mậu chưa được học qua cách thức đỡ đẻ ở trường y nhưng nhìn gương mặt méo xệch, bệch ra của sản phụ, bà cứ lao vào động viên và làm các thao tác cho dễ sinh. Người phụ nữ bất hạnh, may mắn sinh được đứa con kháu khỉnh, khiến cả trại phong mừng vui khôn xiết. Sự sống được duy trì và tái sinh trên ngọn đồi giữa bạt ngàn rừng rú. Từ đây, bà Mậu trở thành bà đỡ mát tay, nâng niu từng thiên thần nhỏ chào đời và cũng là bà mối cho biết bao bệnh nhân phong nên vợ nên chồng.
Công việc của bà Mậu bận rộn từ 7h sáng đến 17h chiều và ngày nào cũng trôi nhanh như thế. Quỹ thời gian của cuộc đời bà chỉ dành cho những bệnh nhân phong nơi cao nguyên đất đỏ. Trại có hơn 350 bệnh nhân, trong đó có gần 150 người bị tàn phế vĩnh viễn. Lúc nào, bà Mậu cũng trăn trở làm thế nào để các bệnh nhân này có thể hòa nhập với cộng đồng, có thể tự tin sống và làm việc theo khả năng sức khỏe. Ngoài việc chăm sóc các bệnh nhân, bà dành nhiều thời gian để hướng dẫn cho các gia đình bệnh nhân phong cách trồng cà phê từ chính bàn tay đau đớn.
Để những bệnh nhân của trung tâm có thể tự tin hòa nhập cộng đồng, bà Mậu tìm cách bồi đắp cho họ ý chí vượt khó, trau dồi kiến thức phổ thông, thay đổi thái độ quan điểm với cuộc sống. Muốn được vậy, họ phải được học hành, đặc biệt là lớp con, lớp cháu của làng phong. Không đủ tiền thuê giáo viên và cũng không ai chấp nhận làm công việc mạo hiểm, đánh đố với sức khỏe, bà Mậu vừa làm bác sỹ rồi kiêm luôn cô giáo dạy chữ cho con em bệnh nhân. Bà hướng dẫn cho các nữ tu khác cách soạn giáo án, cách giảng dạy dễ hiểu phù hợp với người dân tộc. Đến khi, các em đọc thông viết thạo, bà lại mong muốn đầu tư cho mấy đứa nhỏ học cao hơn. Bà đi vận động những bệnh nhân cho con tập trung về với bà để được học tập đầy đủ, học để về xây dựng quê hương, phục vụ bà con thôn bản.
Cơ sở 2 được gây dựng trên mảnh đất bà Mậu mua rẻ từ một bác sĩ người Đức, người được bà chữa khỏi bệnh và trả ơn bà bằng cách vừa bán vừa giúp bà tạo cơ ngơi mới cho các bệnh nhân phong đã lành bệnh. Mỗi gia đình đến sống ở cơ sở 2 thuộc xã Gia Hiệp, huyện Di Linh đều được cấp đất và một ngôi nhà được xây dựng tươm tất, ấm cúng. Chị Ka Dim, một trong số bệnh nhân dọn đến ở cơ sở 2 sau khi được chữa lành bệnh cho biết: "Nhờ sơ, nhờ lòng bác ái, tận tâm của các nữ tu ở trại phong Di Linh mà nhà tôi có cái ăn cái mặc, có vườn cà phê và mấy chục con lợn”.
Chưa khi nào, người ta thấy bà Mậu đi ngủ trước lúc các con em đã yên giấc. Bà dò bài, kiểm tra vở xong, cho các em lên giường, cẩn thận đắp chăn cho từng em, rồi lẳng lặng về gian phòng nhỏ của mình mà vẫn chưa thôi trăn trở. Hiểu được tấm lòng và mong ước của bà, một số em theo học nghề y, giáo viên đã quay về phục vụ cho chính những bệnh nhân của trại phong Di Linh, trong số đó có cha, có mẹ các em. |
Suối Mai - Nguyễn Sơn