Là người không có một bản lĩnh vững chắc, nhân tình trạng rối loạn của xã hội phong kiến lúc bấy giờ, ông đã chia bè kết đảng và dốc nhiều sức người sức của vào việc tiêu trừ các phe phái đối lập, thực chất là làm cho nội bộ triều đình nhà Lý càng thêm hỗn loạn...
Tuy nhiên, đối với tình trạng suy thoái của đạo Phật lúc bấy giờ, ông có một cái nhìn tương đối đúng đắn... Khi Đàm Dĩ Mông đã đường đường là bậc đại thần, tước Phụ quốc Thái phó, thì Nguyễn Bảo Lương chỉ mới là một viên quan nhỏ trong triều Lý Cao Tông. Vua Lý Cao Tông ăn chơi hoang phí, đổ tiền của xây cất có khi đến hàng chục cung điện và thềm, gác một lúc.
Bấy giờ, Nguyễn Bảo Lương được sai trông coi việc xây gác Thánh Nhật. Đàm Dĩ Mông cậy quyền cậy thế, lại thích nịnh vua, nên bắt các quan trông coi thợ xây cất phải đốc thúc sao cho mọi việc hoàn thành đúng hạn định. Thế rồi chẳng may, nhóm thợ xây gác Thánh Nhật do Nguyễn Bảo Lương chỉ huy làm việc trễ nải. Để thị uy, Đàm Dĩ Mông nhân danh phép nước, bắt trói Nguyễn Bảo Lương và đánh cho một trận nên thân. Đánh xong, Đàm Dĩ Mông còn quát tháo Nguyễn Bảo Lương phải mau dậy ra trông coi và đốc thúc thợ làm. Nguyễn Bảo Lương tức lắm, vờ nằm mãi không dậy, than rằng: "Đau thế này làm sao dậy được?".
Rồi mọi chuyện cũng qua. Điều làm Đàm Dĩ Mông không dè là Nguyễn Bảo Lương căm thù Đàm Dĩ Mông đến tận xương tủy. Đến năm Quý Hợi (1203), Nguyễn Bảo Lương được thăng đến chức Thượng tướng, vây cánh trong triều đã lớn hơn người, bèn kiếm kế rửa mối hận xưa với Đàm Dĩ Mông. Ông liên kết với quan Lại bộ Thượng thư là Từ Anh Nhĩ tâu Vua rằng: "Dĩ Mông mọt nước hại dân quả là quá lắm". Lời tâu tuy chẳng có bằng cớ gì nhưng thấy bè đảng của Nguyễn Bảo Lương mạnh, vua cũng xuống chiếu giáng chức tước của Đàm Dĩ Mông, từ Phụ quốc Thái phó xuống tuột đến tận hàng Đại liêu ban.
Luật nay: Nếu có hành vi sai trái đều phải bị xử lý nghiêm minh
Đúng là thời Lý Cao Tông, chỉ có kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, phép nước chẳng ai coi ra gì cả. Không thời nào đáng sợ bằng thời mà ở đó chức quyền trở thành phương tiện để báo ơn trả oán. Nhưng có thể nói rằng, sự việc đó nếu xảy ra vào thời nay thì không thể như thế được. Thứ nhất với vụ việc trên, các hành vi sai trái đã được pháp luật điều chỉnh. Thứ hai, người làm sai, bất cứ là ai cũng đều phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của mình gây ra. Lật lại vụ việc trên, chiếu theo các quy định của pháp luật thời nay thì chúng ta thấy rõ được các hành vi sai trái của cả Đàm Dĩ Mông và Nguyễn Bảo Lương.
Đối với Đàm Dĩ Mông, ông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để bắt, đánh đập Nguyễn Bảo Lương một trận thừa sống thiếu chết khi công việc không theo ý của Dĩ Mông. Việc bắt, đánh người là hành vi trái với các quy định của pháp luật ngày nay. Nếu Bảo Lương có tội thì ông phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng một bản án thích đáng chứ không phải bằng hình phạt đánh đập như vậy. Chiếu theo quy định tại Điều 123 BLHS quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khi đó, Dĩ Mông đang là người có chức vụ quyền hạn thì phải xử ông vào điểm b khoản 2 của điều luật này: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Hình phạt cao nhất của tội này là năm năm.
Còn về hành vi của Bảo Lương thì sao? Vẫn ấm ức chuyện xưa kia, Bảo Lương quyết tìm cách để trả thù. Việc ông tố cáo sai sự thật về Dĩ Mông với vua là hoàn toàn bịa đặt vu khống. Hành vi ấy chiếu theo quy định của luật pháp thời nay thì sẽ bị khép vào Điều 122 BLHS. Theo đó, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Tường Linh