Lợi dụng chủ trương "xã hội hoá" để đội chi phí xây dựng, trù dập, dọa dẫm giáo viên, cán bộ trong trường khi tố cáo sai phạm, bớt xén khẩu phần ăn của học sinh trong trường, ép cấp dưới ký giấy tờ để hợp lý hoá… Bà Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Lập 1 (Nha Trang, Khánh Hòa) và bà Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân (TP. Đà Nẵng) làm mưa làm gió trong trường mình quản lý khiến giáo viên, phụ huynh vô cùng bức xúc.
"Ông Trời" tác oai tác quái trong trường học
Vừa qua, hàng loạt các sai phạm của bà Phan Thị Tiến Lợi (Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Lập 1, Nha Trang, Khánh Hòa) được phanh phui khiến dư luận bức xúc. Cụ thể bà Lợi tổ chức chào cờ, giao ban đầu tuần kéo dài làm mỗi tiết học chỉ còn 25-30 phút. Khi giáo viên góp ý, bà Lợi tuyên bố chỉ cần dạy 20 phút là đủ(?). Vị hiệu trưởng này còn ngang nhiên, tùy tiện phát loa triệu tập họp giữa giờ, bắt giáo viên phải bỏ lớp dự. Tuy nhiên, chất lượng của các cuộc họp là không có gì. Bà Lợi còn một mình tự quyết việc hoán đổi vị trí của phòng học nhạc bất chấp sự bất tiện của nó đến các lớp học khác. Không những thế, bà Lợi còn đe dọa, trù dập giáo viên, nhờ sinh viên giả mạo công an khám xét máy tính giáo viên, lợi dụng chức quyền đưa hàng loạt người thân vào làm trong trường.
Bữa cơm đạm bạc của học sinh trường tiểu học Trần Cao Vân, TP. Đà Nẵng
Theo các giáo viên trong trường, bà Lợi từng nói trước tập thể: "Cái trường này, từ già đến trẻ đều có tính ăn cắp", gây bức xúc lớn trong đội ngũ giáo viên. Đáp lại các ý kiến giáo viên góp ý nâng cao chất lượng giảng dạy, bà Lợi cho họ là thành phần chống đối nên có biểu hiện đe dọa, trù dập như cho chuyển khối, chuyển trường, không phân công làm chủ nhiệm lớp…
Không chỉ vi phạm chuyên môn, chất lượng giảng dạy, bà Lợi còn có biểu hiện khuất tất trong việc xã hội hóa - làm bếp ăn bán trú, trái thông tư và công văn hướng dẫn liên quan của bộ GD-ĐT. Dự toán bà Lợi trình tổng kinh phí 482 triệu đồng nhưng khi bị yêu cầu làm lại theo đơn giá Nhà nước, con số này chỉ còn 270 triệu đồng. Tuy vậy, khi đã huy động được 205 triệu đồng, bà Lợi vẫn cho huy động thêm gần 300 triệu đồng, để ngoài sổ sách kế toán nhà trường. Vị hiệu trưởng này còn lợi dụng chức quyền, ký hợp đồng với chị ruột là Phan Thị Đức Thuận, cho làm bảo vệ. Bà Thuận lại tùy tiện để chồng làm thay và được bà Lợi ký thêm hợp đồng làm nhân viên dọn vệ sinh, hưởng đồng thời 2 lương. Bà Lợi còn ký hợp đồng với em nuôi là bà Phan Thị Ngọc Thủy, cho làm nhân viên phục vụ nhưng bà Thủy ít đến làm việc, vẫn lãnh đủ lương.
Đáng tiếc, trường hợp lạm quyền trong giáo dục như bà Lợi không phải là cá biệt. Dư luận TP.Đà Nẵng, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con theo học tại trường tiểu học Trần Cao Vân (TP. Đà Nẵng) thời gian qua không khỏi bức xúc trước vụ việc chỉ trong vòng 70 ngày, bà Vương Thị Vân, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân (TP. Đà Nẵng) đã "thâu tóm" trong điều hành, bớt xén khẩu phần ăn của các em học sinh và ép cấp dưới ký sổ sách để hợp lý hóa giấy tờ... Sự việc chỉ được sáng tỏ khi nhân viên nhà trường, ban Phụ huynh học sinh mạnh dạn kiến nghị việc làm sai trái của hiệu trưởng, khiến sự việc đang gây xôn xao trong dư luận.
Những việc thu, chi bất minh cộng với sự than phiền về bữa ăn đạm bạc của các em học sinh trong nhà trường, khiến các bậc cha mẹ lên tiếng và đại diện ban Cha mẹ học sinh đã đi "vi hành" đột xuất để ghi lại những hình ảnh "rơi nước mắt" của con em mình trong bữa ăn... Những bát cơm lõng bõng nước, đạm bạc khiến các vị phụ huynh ở đây phải gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng và báo chí.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.
Không thể chấp nhận những hành vi sai trái
“Xói mòn chất lượng giáo dục” Tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 7, ông Jairo Acuno, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã phát biểu: "Những hành vi tham nhũng đang tồn tại trong giáo dục đã làm xói mòn chất lượng giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nguy hại: Ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng gánh nặng lên các doanh nghiệp và xã hội, dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển của đất nước". |
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD& ĐT cho rằng, ngành giáo dục không chấp nhận những chuyện một người đứng đầu trường học mà lại có các hành động, giả mạo, thủ đoạn, trù dập các đồng nghiệp, những người chống tiêu cực. Những người quản lý, giáo viên đã làm trong ngành giáo dục thì nhân cách của người giáo viên, người làm quản lý phải thực sự trung thực. Đó là tấm gương cho giáo viên, học sinh nhìn vào.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận định việc tham nhũng, lạm dụng quyền lực của người đứng đầu trong các trường học không phải câu chuyện lạ lẫm. Cũng như vừa qua, trong khảo sát về "Tham nhũng trong giáo dục phổ thông" nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam đưa ra đánh giá: "Ở Việt Nam, tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 - 800 USD cho một suất vào trường "thường thường bậc trung".
Theo vị chuyên gia này, tham nhũng, lạm dụng chức quyền của người đứng đầu là vô cùng nguy hiểm. Trong một số phòng hiệu trưởng các trường tiểu học người ta thấy những chiếc tivi có giá trị lên đến cả chục triệu, hơn chục triệu đồng được dán chữ ghi tên phụ huynh của một em học sinh trong trường nhưng người ta lại coi là bình thường! Điều đáng lo ngại hơn là khi người ta xem chuyện tham nhũng là chuyện đương nhiên, là một phần tất yếu của cuộc sống, là một chuẩn mực trong xã hội mà chúng ta đang sống. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc biếu xén quà cáp cho giáo viên, hiệu trưởng những món quà có giá trị không hề nhỏ như tivi, tủ lạnh, điều hòa được núp danh dưới tên tự nguyện, tình cảm cá nhân.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, những hành động của các vị hiệu trưởng trên là vô cùng sai trái. Nhân cách đạo đức xuống cấp của người làm thầy, của người làm quản lý. Nếu một người có đầy đủ nhân cách thì không ai lại làm chuyện đó cả. Không có lý do gì để biện minh cho các hành vi tham nhũng, bớt xén cửa quyền của hai vị hiệu trưởng này. Đó là hành vi hết sức sai trái, chỉ cần nói lên người ta đã không chấp nhận. Đó là một hành vi sai trái, không có gì có thể bào chữa được”.
Mạo nhận nhân viên bộ Công an để truy người tố cáo Trước những sai phạm của lãnh đạo trường, 24/41 giáo viên, cán bộ Trường Tân Lập 1 gửi đơn tố cáo sai phạm, tiêu cực đến các cơ quan chức năng địa phương. Bà nhiều lần truy bức các giáo viên, tổ chức kiểm tra máy vi tính, máy in của trường để tìm dấu tích bản thảo đơn thư tố cáo. Bà Lợi nhờ sinh viên vừa học vừa làm Nguyễn Thế Quốc Bảo (trú Bãi Tiên, Vĩnh Hòa, Nha Trang) đứng tên giả Nguyễn Đặng Gia Khang, mạo nhận cán bộ an ninh kỹ thuật C50, bộ Công an đến trường kiểm tra. Người này đã lập biên bản khám máy vi tính của cán bộ giáo viên đang sử dụng với mục đích truy xét (vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo và vi phạm bí mật cá nhân). Theo xác minh của công an TP.Nha Trang người xưng danh Khang thật ra là Nguyễn Thế Quốc Bảo (26 tuổi, trú phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang), vừa đi làm vừa theo học ngành công nghệ thông tin, không phải là cán bộ công an. |
Lan - Thơm