Đó là câu chuyện tình đẹp và viên mãn như trong cổ tích của vợ chồng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, người thương binh nặng Trần Trọng Thụy (75 tuổi) và người vợ Nguyễn Thị Chương (76 tuổi), ở thôn Hạ Kiều, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Người thương binh nghị lực vượt lên số phận
Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Hà Tĩnh, năm 1971, Trần Trọng Thụy như bao chàng trai theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Sau một thời gian huấn luyện ngoài Bắc, anh Thụy được điều về tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 (Quảng Trị), Trung đoàn E229, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.
Mùa hè năm 1972, chiến trường Quảng Trị được ví như chảo lửa. Là một người lính thuộc đơn vị công binh, Trần Trọng Thụy luôn cùng đồng đội của mình đi đầu trong các trận đánh. Dù khó khăn, gian khổ là vậy nhưng ông và các đồng đội luôn nỗ lực chiến đấu hết mình để bảo vệ và canh giữ từng tấc đất ở đây.
Tháng 5/1972, khi đang cùng đồng đội cắt rừng mở đường cho quân ta tiến vào sào huyệt địch tại khu vực huyện Gio Linh (Quảng Trị), đơn vị của anh Thụy bị pháo địch tập kích.
Nhiều đồng đội bị thương và hy sinh, riêng anh bị thương nặng, cụt bàn tay trái và mù cả 2 mắt. Sau đó, anh đã được đồng đội cáng về khu điều trị quân y.
Sau 13 năm liên tục, trải qua quá trình điều trị ở nhiều bệnh viện quân y và đơn vị an dưỡng, dịp 30/4/1985, ông Thụy được UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đón về địa phương.
Sau một khoảng thời gian dài nằm điều trị, thương binh Trần Trọng Thụy trở về với bàn tay trái bị cụt và đôi mắt mù vĩnh viễn.
Thương binh Trần Trọng Thụy cho biết: "Mùa hè năm 1972, Quảng Trị như một chảo lửa, tôi bị thương nặng nhưng còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã phải nằm xuống nơi đất sâu. Khi tỉnh dậy, biết đôi mắt không nhìn thấy gì, bàn tay trái không còn, tôi nghĩ cuộc đời mình đã tàn phế. Lúc đó tôi đã chấp nhận sống cô đơn ở quảng đời còn lại".
Thời gian đầu trở về, mặc cảm với bộ dạng của mình nên suốt ngày người thương binh ấy chỉ biết quanh quẩn bên chiếc giường. Nhưng rồi với ý chí của một người lính, ông đã quyết tâm làm lại cuộc đời, tiếp tục sống sao có ích cho đời.
Hạnh phúc viên mãn của người thương binh ở tuổi xế chiều
Trong quãng thời gian đi an dưỡng điều trị, năm 1976, thương binh Trần Trọng Thụy được cắt phép về thăm nhà. Chính kỳ nghỉ phép năm ấy đã tạo nên mối lương duyên giữa ông Thụy với cô bạn học cũ Nguyễn Thị Chương.
Từng là đôi bạn học cùng lớp ở trường làng nhưng trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông Trần Trọng Thụy lên đường nhập ngũ, còn bà Nguyễn Thị Chương ở lại hậu phương, trở thành cô mậu dịch viên.
Nhắc đến kỉ niệm cũ, bà Chương xúc động cho biết, ban đầu biết tin ông Thụy trở về không còn lành lặn, bà thương lắm. Tuy nhiên, bà cũng chỉ hỏi thăm tình hình qua bạn bè chứ không trực tiếp gặp nhau. Bản thân bà cũng là người có khiếm khuyết ở chân.
Về sau, ông được người thân mai mối, dẫn đến nhà gặp gia đình bà Chương đặt vấn đề. Ban đầu, gia đình phản đối, cho rằng, một người mù, một người khiếm khuyết ở chân, nếu lấy nhau thì làm gì mà ăn. Nhưng bằng tình thương với người lính, bà Chương đã bỏ ngoài tai những lời gièm pha thiên hạ để đến với nhau.
Cưới nhau được chừng khoảng 3 tháng, cuộc sống khó khăn chồng chất. Vợ chồng phải ly biệt, bởi ông bệnh tật tái phát phải trở lại đơn vị an dưỡng, điều trị. Đó cũng là lúc bà Chương biết mình mang thai đứa con gái đầu lòng.
Với phụ nữ bình thường sinh con một mình đã vất vả, với người khuyết tật như bà Chương, một thân một mình, bụng mang dạ chửa còn khó khăn hơn ngàn lần. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng động viên ông an tâm đi điều trị.
Được sự giúp đỡ của người thân hai bên nội ngoại, bà Chương đã hạ sinh thành công con gái đầu lòng. Năm 1980, ông Thụy được về phép một lần nữa, hai vợ chồng lại sinh thêm con gái út Trần Thị Thêu.
Biết vợ một mình chăm sóc con vất vả, ông Thụy cố gắng xin phép về nhà thường xuyên hơn. Đến năm 1985, khi tỉnh có chủ trương đón thương binh về địa phương, ông Trần Trọng Thụy xin về hẳn ở nhà cùng vợ con.
Dù đất nước hòa bình trở lại nhưng đôi vợ chồng khiếm khuyết với 2 đứa con thơ đã phải chịu biết bao gian khổ. Bà Chương tuy không nhanh nhẹn nhưng rất tháo vát, chịu thương, chịu khó cáng đáng mọi việc trong gia đình. Bà vừa mưu sinh kiếm sống để nuôi con lại vừa phải chăm chồng ốm đau, bệnh tật thường xuyên.
Bà Chương phải làm đủ công việc để lo cho chồng con. Bà nuôi lợn, mở quầy tạp hóa ở chợ phiên gần nhà. Một mình xoay xở, cáng đáng để trang trải cuộc sống gia đình. Về sau, ông Thụy cũng được động viên tham gia công tác xã hội với vị trí là Phó Chủ tịch Hội Người mù Can Lộc (1990-2012). Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng dần khá khơn.
Giờ đây, ở tuổi xế chiều, sức khỏe của ông vợ chồng ông Thụy có giảm sút nhưng cả hai vẫn còn rất minh mẫn, hạnh phúc khi được sum vầy bên con cháu. Cả hai cô con gái của vợ chồng ông bà cũng rất thành đạt và khá giả.
Ngoài cô con gái đầu Trần Thị Thêu ở cùng bố mẹ, con gái thứ 2 cũng đã có gia đình ổn định ở nước ngoài. Đặc biệt, ông Thụy luôn cảm thấy tự hào khi có người con rể (chồng chị Thêu) là Thiếu tá La Văn Anh nối nghiệp lính của mình. Hiện anh đang công tác ở quần đảo Trường Sa.
Bà Nguyễn Thị Chương phấn khởi nói: "Mấy năm nay, ông nhà tôi tuy sức khỏe yếu hơn, vết thương cũ thường tái phát mỗi khi trái gió trở trời. Nhờ tình yêu của chồng mà tôi có thêm nghị lực, ý trí hơn trong cuộc sống. Dù khó khăn đến đâu nhưng chỉ cần hai vợ chồng nghĩ đến các con, chúng tôi đều vượt qua được".
Thiện Quyền