Đến khi những đứa con lần lượt chào đời, bà được chuyển sang làm phóng viên chiến trường. Ở tuổi 84, bà chưa lần nào chùn bước trên con đường mang văn hóa Việt Nam đi chu du khắp thế giới. Sứ mệnh kết nối văn hóa đã chọn bà (cựu phóng viên chiến trường, ngụ TP.HCM) từ những năm tháng vật lộn với bom đạn trên chiến trường cùng các bạn đồng nghiệp quốc tế, đến những năm tháng đi khắp thế giới ở thời bình. Và cũng chính nó mang đến cho bà vinh dự được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
"Người đẹp thuốc nổ"
Chúng tôi ngồi đối diện bà trong không gian ấm cúng của phòng tranh Lotus (quận 1, TP.HCM), nghe bà kể lại những năm tháng ác liệt của chiến tranh mà nhẹ tênh như những mẩu chuyện vui mà cả đời bà không quên được. Gương mặt tròn phúc hậu, giọng nói cương nghị của bà làm cho buổi nói chuyện hết sức thoải mái, gần gũi và không thiếu tiếng cười.
"Tôi nhớ như in năm tháng sống và chiến đấu bên những đồng đội cùng có lòng yêu nước thuần khiết, không toan tính. Lớp thanh niên chúng tôi được giáo dục nghiêm túc, có trách nhiệm với dân tộc và đất nước", bà tự hào chia sẻ.
Gia đình của bà (ở Huế) vốn được người Pháp tạo điều kiện làm ăn, nên lòng yêu nước của bà xuất phát từ ý thức đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Khi tuổi chưa tròn 15, bà một mình bơi thuyền vượt sông Hương qua bờ bên kia, nơi được các đồng đội đang chờ bà hòa vào dòng người đi cứu nước.
Bà Phượng chia sẻ: "Bơi qua sông mà ruột đau như đứt, nhớ cha mẹ, thương anh em nên nước mắt tôi cứ rơi. Tôi hiểu được chuyến đi này vẫn chưa biết trước ngày về. Tôi đi năm 1945, đến 1975 mới trở về làng Eo Bầu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế thăm cố hương".
Vào vùng giải phóng, bà được tham gia vào công tác tuyên truyền và địch vận ở thành phố Huế. Với vốn tiếng Pháp vững vàng, bà viết truyền đơn nhét vào từng bó rau bán cho lính Pháp, bắt loa tuyên truyền ý chí giữ nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhiều lính Pháp đọc truyền đơn, nghe lời lẽ đanh thép của cô gái trẻ vang vang mỗi ngày cũng thấm thía và tình nguyện bênh vực cho chính nghĩa.
Một buổi sáng năm 1947, bà nghe thông báo của bộ Quốc phòng đang tìm người giỏi tiếng Pháp về Cục quân giới làm thuốc nổ, thuốc súng. Bà không suy nghĩ nhiều và cũng không tìm hiểu mức độ nguy hiểm của công việc chế tạo thuốc nổ ra sao. Bà chỉ biết mọi người đang cần, đất nước đang kêu gọi một người giỏi tiếng Pháp.
Bà Xuân Phượng giở lại những trang ký ức. Ảnh Hà Nguyễn.
Đội ngũ cán bộ được bộ Quốc phòng tuyển chọn lần đầu để học cách chế tạo thuốc nổ chỉ có bà Xuân Phượng là nữ. Mấy anh em trong đội gọi bà với biệt danh thân thương là "người đẹp thuốc nổ". Công việc chế tạo vũ khí tưởng chừng dễ dàng như thực hành ở phòng thí nghiệm hóa lý, chỉ cần xem sách hướng dẫn của Pháp rồi làm theo, pha trộn đầy đủ các hóa chất lại với nhau.
"Chỉ cần thông thạo tiếng Pháp, xem từ sách hướng dẫn cách chế tạo thuốc nổ của tiếng Pháp, tôi đã chế tạo được thuốc nổ. Hình dung trong đầu thấy sao dễ dàng, nhưng khi tôi bắt tay vào làm mới thấy hết tầm nguy hiểm, xác suất nổ rất cao, chỉ cần mạnh tay một chút, người chế tạo sẽ theo đống thuốc nổ...", bà Xuân Phượng nhớ lại.
Bà nhớ, mỗi sáng, mỗi người trong đội đến nhận nắm xôi muối vừng mang theo vào phòng chế tạo thuốc nổ. Một cán bộ có phòng riêng, trong phòng có một cái hầm, hễ khi nào thuốc phát nổ, người chế tạo nhanh chóng hất nguyên đống thuốc nổ xuống hầm và đậy nắp lại.
Thế nhưng, nhiều trường hợp người chế tạo không có đủ thời gian để làm việc đó, trong nháy mắt mọi thứ đã tan hoang. Có lần, đội bà chế tạo loại thuốc Fulminate, loại thuốc dùng để kích nổ súng, đại bác... Sách hướng dẫn đề rõ 2gam Fulminate bằng một cuộc đời. Thế mà, mỗi ngày, bà phải đối mặt với mấy kg thuốc kích nổ.
Để chế tạo loại thuốc này, người chế tạo phải dùng lông gà để tách thuốc ra khỏi hóa chất sau khi thực hiện xong phản ứng hóa học. Một cái khoáy lông gà mạnh cũng làm thuốc phát nổ và bà đã chứng kiến không ít lần đồng đội bị thương nặng, mất tứ chi.
Hai trường hợp đồng nghiệp bị tai nạn khi chế tạo thuốc nổ ám ảnh bà suốt cuộc đời. Thứ nhất, trường hợp của đồng chí Phan Thanh Nam, bị thuốc nổ làm thương tổn khắp cơ thể chỉ có đôi mắt còn nguyên vẹn nhờ đeo kính bảo hộ. Thứ hai, trường hợp đồng chí Trí do khoáy mạnh chiếc lông gà làm thuốc nổ tung văng cánh tay lên mái nhà...
Năm 1948, bà được điều về Nha nghiên cứu kỹ thuật quốc phòng chuyển qua chế tạo mìn hẹn giờ, súng không giật. Bà được nhận Huân chương Sao vàng khen thưởng khả năng sáng chế ra súng không giật, loại súng mang lại hiệu quả cao trong chiến tranh Việt Nam.
Phóng viên chiến trường
Năm 1953, bà lập gia đình, những đứa con lần lượt ra đời. Bà được luân chuyển về làm việc ở bộ Tài chính và phụ trách tờ báo "Công tác lúa gạo". Tờ báo đặc biệt này ra đời nhằm thông tin đến nhân dân tình hình chung chuyển lúa gạo miền Bắc ra tiền tuyến. Thời đó, bà tự viết bài, tự biên tập, trình bày bài viết...
Tuy nhiên, nghiệp làm báo của bà bắt đầu từ tờ báo tường tên "Đùng". Đây là tờ báo tường ngộ nghĩnh ở thời điểm bà còn công tác chế tạo vũ khí tại bộ Quốc phòng. Tờ "Đùng" dùng để các cán bộ công tác ở Bộ ghi lại những điều mới mẻ, mắt thấy tai nghe trên đường đi công tác ở tỉnh khác. Anh em nào nhờ mua quà cũng viết lên báo tường...
Bà Phượng chia sẻ: "Tôi nổi tiếng chai lỳ từ lúc làm tờ "Đùng". Số là, trong đội có đồng chí tên Lê Văn Nho vừa đi công tác Tuyên Quang về. Với những anh em sống ở Việt Bắc, Tuyên Quang thật xa xôi, đông đúc và hấp dẫn nên khi biết đồng chí Nho mới từ đó về, ai cũng tò mò muốn nghe anh kể chuyện. Tôi hiểu mong muốn của anh em trong đội nên cứ chai lỳ đi theo năn nỉ anh Nho. Cuối cùng, anh Nho viết lên báo tường 100 lần câu "Thuốc lào..." làm cả bọn lăn ra cười ngặt nghẽo". Lần đầu tiên, bà được cầm trên tay chiếc máy hình gắn liền với một kỷ niệm khó quên.
Chiếc máy do anh Lưu mang về và nhờ mọi người chụp giúp một tấm ảnh để gửi kèm trong thư cho vợ xem. Nhưng cả đội không có ai biết chụp ảnh, đột nhiên bà đứng dậy xung phong chụp. Anh Lưu chỉ được phép sử dụng một tấm nên bà chịu rất nhiều áp lực. Bà ngắm thật kỹ, lấy khung hình thật chuẩn, khi đã chắc anh Lưu nằm trọn trong khung ảnh bà nhấn nút chụp.
Chụp xong, bà gửi phim vượt hơn 40km để đến chỗ in hình. Nhưng khi nhận hình, anh Lưu giật nảy người vì hình chỉ có nửa người, không thấy mặt anh đâu. Bà nhanh trí, dùng tấm hình ấy viết vài dòng đặc biệt, nhắn với vợ "anh Lưu chỉ còn nửa người, chị mau đến nhận xác về".
Nhờ vậy, hai vợ chồng gặp nhau, một đứa bé kháu khỉnh cũng chào đời nhờ sự lém lỉnh của bà. Nhờ thông thạo tiếng Pháp, bà được giao nhiệm vụ dẫn các đoàn làm phim nước ngoài đi thực tế cuộc chiến đánh phá miền Bắc của thực dân. Tính đến khi về hưu, bà đã dẫn gần 30 đoàn phim nước ngoài làm phim tại Việt Nam. Bà luôn hãnh diện vì được chính Bác Hồ giới thiệu và giao nhiệm vụ thông dịch cho các đoàn làm phim các nước.
Những năm miền Bắc bị ném bom ác liệt, bà làm phóng viên chiến trường và trực tiếp dẫn các đoàn khách quốc tế đi thực tế chiến tranh. Đạo diễn Pháp gốc Hà Lan Joris Ivents nhờ bà dẫn đoàn về tuyến lửa Vĩnh Linh, làm phim bờ Hiền Lương. Ban đầu, đạo diễn người Pháp rất lo lắng cho cô phóng viên chiến trường nhỏ nhắn khi phải dẫn đoàn đến nơi bom đạn chồng lên bom đạn. Nhưng trước sự hăng hái, tận tâm và kinh nghiệm đối phó bom đạn của "người đẹp thuốc nổ", họ rất yên tâm dồn sức vào sáng tạo ra những thước phim xúc động về chiến tranh Việt Nam.
Những thước phim ra đời bằng máu và nước mắt Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng nhớ lại: "Ở cột cờ Bắc Hiền Lương, đạo diễn cần góc quay đặc biệt để thấy lá cờ đỏ phủ bóng bờ Nam Hiền Lương. Trong lúc mọi người hướng theo người quay phim phải leo lên cột cờ để quay sang bờ Nam thì một tiếng nổ lớn vang lên. Tôi thấy trời đất tối sầm rồi mê man bất tỉnh. Khi choàng tỉnh dậy, nhìn đạo diễn Ivents cũng cháy rụi cả tóc, mặt mày nám đen, tôi nhẹ cả lòng dù máu vẫn đang tuôn trên khuôn mặt mình". Năm 1975, bà Phượng vẫn tiếp tục bên máy quay phim dù tuổi đã không còn son trẻ. Bà lại bôn ba, nhiều đêm mất ngủ khi chứng kiến cảnh tàn ác của lính Pon Pot trong chuyến làm phim "Tôi viết bài ca hồi sinh ở Campuchia" do bà làm đạo diễn. Bà đã bật khóc cùng những thước phim ra đời bằng máu ấy. |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn
Kỳ 2: Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ