Học võ từ thuở 13
Sau nhiều ngày tìm kiếm về địa chỉ của lão võ sư Dương Thị Huệ, chúng tôi mới biết được bà đang cùng phụ "sư huynh" một thời (giờ là chồng) mở lò võ tại quận Thủ Đức (TP.HCM) nên lân la tìm tới. Với dáng vẻ của một con nhà võ chuyên nghiệp, võ sư Dương Thị Huệ tiếp chuyện chúng tôi cũng với tinh thần nhà võ: Chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề cũng hết sức thẳng thắn.
Nói về duyên với võ, bà cho biết, do đam mê và theo học với thầy Nghiêm An Thạch của phái Lam Sơn từ năm 13 tuổi. Tuy nhiên, bà là một đệ tử không chỉ được sư phụ quý mến mà còn được tổ sư phái Lam Sơn là thầy Quách Văn Kế hết sức cưng chiều và truyền cho nhiều bí kíp võ công.
Chính vì thế, bà được mệnh danh là "đệ tử chân truyền" của tổ sư Quách Văn Kế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà cùng một số võ sư mở những lớp đào tạo võ thuật đầu tiên tại TP.HCM. Tuy nhiên, việc làm này cũng không hề dễ dàng gì. Võ sư Huệ cho biết, tháng 4/1975, chúng ta giải phóng miền Nam thì đến tháng 6 đã xuất hiện phong trào rèn luyện thân thể.
"Lúc ấy, quận Bình Thạnh (ghép từ hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây) đã có một trung tâm thể dục thể thao với nhiều bộ môn (số 8, Phan Đăng Lưu ngày nay). Tại thời điểm đó, môn võ cổ truyền cũng đã được anh Nguyễn Quốc Tâm là võ sư phái Thái Cực Đạo mở một nhóm phong trào để rèn luyện thân thể. Nói cho đúng thì đấy cũng chỉ là những lớp học thể dục. Còn để xin phép mở võ đường thì quả rất khó khăn, vì tình hình đất nước mới giải phóng, còn nhiều ngổn ngang, phức tạp. Đặc biệt, nghe tin mở võ đường thì nhiều người e dè, sợ hãi. Một khi chưa ổn định được thì lỡ chẳng may có biến loạn, người ta lại nghi ngại tới dân võ nhiều nhất", võ sư Huệ chia sẻ.
Võ sư Dương Thị Huệ
Sau đó một thời gian, thành phố mở một khóa trung cấp các môn thể dục thể thao cho tất cả các quận, huyện và tập trung về trường đua Phú Thọ để học. Đó là năm 1977, bà là một trong số ít người được học khóa này. Trong chín môn được huấn luyện thì có bộ môn võ cổ truyền. Học xong, bà tiếp tục về công tác tại trung tâm thể thao quận Bình Thạnh. Lúc này, bộ môn võ thuật được chia làm nhiều môn: Võ cổ truyền, Aikido, Judo... và bà được giao nhiệm vụ làm trưởng bộ môn Võ cổ truyền.
Tuy nhiên, khi mở bộ môn võ cổ truyền ra thì ai sẽ là người đứng lớp, trình độ, đẳng cấp như thế nào... là vấn đề nhức nhối nhất được đặt ra. Lúc đó, bà phải lăn lộn khắp nơi để tìm thầy huấn luyện. Không có cách nào nhanh hơn là tìm gặp lại những người đã từng luyện võ chung với mình, kêu gọi họ hãy vì đất nước, vì thế hệ trẻ tham gia vào công tác huấn luyện võ thuật. Trên tinh thần đó, những người biết được và thấu hiểu mục đích đặt ra, đặc biệt là có máu với võ, đã vui vẻ nhận lời.
Không đi theo món "lẩu thập cẩm"
Công tác huấn luyện võ thuật ngày càng thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền cũng như người dân. Nhiều người biết đến môn võ cổ truyền và xin đăng ký vào học. Đến năm 1989, bộ môn võ cổ truyền đề xuất thành lập Chi hội võ cổ truyền Bình Thạnh. Đề xuất này được chấp nhận và là điển hình đầu tiên của thành phố lúc bấy giờ.
Thành viên trong chi hội võ cổ truyền này bao gồm năm người: Dương Thị Huệ, An Văn Siêu, Phạm Văn Thanh, Nguyễn Phước Toàn và Lê Kim Hòa. Học tập theo mô hình này, rất nhiều quận, huyện khác đã xin đề nghị được thành lập chi hội võ cổ truyền. Và cho tới ngày nay, mỗi quận, huyện đều có các chi hội võ cổ truyền.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hai võ sư Dương Thị Huệ và Phạm Văn Thanh dần bị "loại" khỏi cuộc chơi này, vì không theo cái mà họ cho rằng đó là "món lẩu thập cẩm". Sở dĩ như vậy là bởi, có ý đề xuất, mỗi võ phái bỏ ra một bài quyền tốt nhất (gọi là tinh hoa của võ phái ấy) để làm giáo án chung cho bộ môn võ cổ truyền.
Lúc đầu, nhiều người nghĩ, việc đưa ra tinh hoa ấy như là lời giới thiệu và là cách để đóng góp cho nền võ thuật nước nhà, nhưng sau đó lại bắt buộc người học phải "thuộc" 10 bài (được chọn) từ các võ phái khác nhau để thi phân cấp đai (đẳng cấp đai).
Võ sư Huệ chia sẻ: "Với đề xuất này, tôi và võ sư Phạm Văn Thanh không đồng ý. Bởi, như thế sẽ làm mất đi tính khoa học, hệ thống và kìm hãm sự phát triển của người luyện võ. Vì khi luyện tập, các bài quyền phải dựa trên các yếu tố để đi từ thấp lên cao, bài trước bổ trợ cho bài sau nhưng bài sau phải có trình độ cao hơn bài trước. Nếu không thì người tập võ sẽ bị đau cơ, phản tác dụng (do học không đúng).
Nếu người học võ mà thấy mệt là sai nguyên tắc, mà người học võ chỉ biết mỏi thôi. Do vậy, nếu quy 10 bài của 10 môn phái khác nhau và lấy đó làm giáo án thì chẳng khác nào là một món lẩu thập cẩm. Sau khi nghe những ý kiến của chúng tôi, nhiều người không đồng ý, thế là chúng tôi cũng "nghỉ" và chia tay chi hội từ đó cho tới nay".
"Nói chuyện với anh để chia sẻ đôi điều về võ thuật. Bây giờ cái mà chúng tôi mong muốn là làm thế nào để võ cổ truyền thực thụ được phổ biến rộng rãi cho đại bộ phận quần chúng nhân dân được biết và học tập để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, trí lực người Việt Nam.
Theo tôi, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên nghiên cứu tới việc đưa võ cổ truyền (có tính khoa học, hệ thống) vào trường học như một môn bắt buộc. Bởi có câu: Chỉ có một bộ óc thông minh trong một cơ thể khỏe mạnh và võ cổ truyền là bộ môn thích hợp (không nhất thiết phải có cân nặng, chiều cao; không phân biệt giới tính; không tốn nhiều kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất...). Đồng thời nó cũng trang bị cho các em những kỹ năng để có thể bảo vệ bản thân mình", võ sư Huệ kiến nghị.
Trung Nghĩa