Ước nguyện gieo chữ...
Hôm nay, Giàng Thị Mỷ từ Cao Đường xuống chợ bán 10 quả trứng gà, giá mỗi quả là 3.000 đồng. Mỷ đếm vanh vách 2 quả là 6.000 đồng, 3 quả là 9.000 đồng... biết làm phép nhân rồi không sợ sai nữa. "Nhờ cán bộ cho đi học cái chữ đấy", Mỷ khoe. "Cán bộ là ai thế?", tôi hỏi. "Ối chà! Nhiều lắm... nhưng quý nhất vẫn là cái "Hoa phụ nữ'', nó đến nói mãi, Mỷ mới chịu đi học đấy... Nó tốt thật, bản mình ai cũng quý nó", Mỷ nói. Ngập ngừng một lúc, Mỷ bảo, theo Mỷ về nhà cái Hoa sẽ biết. Tôi theo bước chân Mỷ, lội qua 2 con suối, băng qua cánh đồng rộng thì Mỷ chỉ tay về phía trước bảo, nhà nó đấy, nó đang ở nhà, cán bộ đến đó đi. Mỷ phải đi chợ đây. Nói rồi, Mỷ đội ô thủng thẳng ra chợ.
Gặp chị Ma Thị Hoa tôi càng cảm phục về người phụ nữ dân tộc Tày này với ước mơ gieo chữ cho bà con xóm bản. Đã hơn chục năm "gánh vác" chức chủ tịch hội Phụ nữ xã Yên Thuận, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống là từng ấy năm chị nặng lòng với chuyện xóa mù chữ cho chị em dân tộc thiểu số. Trong căn nhà đơn sơ của "bà chủ tịch", chuyện học được mở ra, điều mà tưởng như cách đây lâu lắm rồi, nay lại hiện hữu ở vùng non cao vời vợi này. Trước kia, chị Hoa đến từng thôn tuyên truyền, vận động chị em tham gia các chương trình phụ nữ khó khăn còn hơn trèo đèo, lội suối. Nói cái gì, mọi người cũng lắc, có khi ức còn chảy cả nước mắt. Có chị em còn nói: "Cán bộ nói thì hay lắm, nhưng lội qua con suối, lên đồi làm nương rẫy nó rơi mất rồi. Về đến nhà không nhớ nổi đâu, phải nhắc lại thôi".
Lớp học "xoá mù chữ" của cô giáo Ma Thị Hoa nơi vùng cao Yên Thuận.
Ngẫm ở đời, không biết cái gì cũng khổ mà khổ nhất là không biết chữ. Mỗi khi đi chợ, các chị phải rủ cả chồng, con theo để tính tiền, nhìn mặt cân nữa; rồi lên xã làm giấy tờ, thủ tục cán bộ phải mất nhiều thì giờ giải thích mãi cho bà con mới chịu điểm chỉ... "Dân bản mình khổ quá rồi, phải học cái chữ ngay thôi!", ý nghĩ ấy lóe lên, chị vạch ra bao nhiêu dự định, kế hoạch... Ý tưởng ấy được đông đảo mọi người tán thành, chị Hoa bắt tay ngay vào cuộc nhưng thực tế lại vấp phải không ít khó khăn mà đều là từ nhận thức của chị em. Chị Đặng Thị Kim, ở thôn Cốc Phường bảo rằng: "Phải lên nương trồng ngô, trồng khoai thì mới có cái ăn được. Cái chữ có giúp con mình no bụng không?".
Chị Đặng Thị Phượng, ở thôn Hao Bó vừa nói, vừa khóc: "Chồng mình nó cấm mình đi học rồi, nó bảo không có chuyện chồng ở nhà, vợ đi ra ngoài đâu. Nó ghen, nó sợ người khác bắt mất vợ mình...". Thật là khó cho cái ý tưởng xóa mù chữ của chị Hoa. Nhưng không thể bỏ cuộc, chị tin trong mỗi hội viên phụ nữ đều khát khao học chữ, điều quan trọng là thổi bùng nó lên bằng cách nào thôi. Đôi chân chị cần mẫn trên các lối mòn đến từng nhà vận động, nói những điều hay từ việc học chữ. Nào là biết cái chữ đi chợ bán quả trứng dễ lắm, còn ai sợ mất vợ thì theo vợ đi học, sau này đẻ con dạy nó học, nó mới nể mình... Thế rồi, câu chuyện học chữ lan khắp bản này sang bản nọ, chị em tíu tít rủ nhau đi học.
Nhưng khó khăn không dừng lại đó... lớp học sắp thành lập mà kinh phí chẳng có để mua vở, bút, phấn cho chị em theo học. Niềm vui phút chốc trở thành nỗi lo mà lo nhất là đánh mất niềm tin thì biết nói thế nào với bà con. Người Mông, người Dao thật thà, nói là làm, tin ai là tin đến cùng, mình không thể đánh mất niềm tin được. Nghĩ vậy, chị Hoa quyết định trích 600.000 đồng của mình để hỗ trợ lớp học của thôn Khau Làng, Hao Bó, Lục Hang, Cốc Phường mua vở, bút, phấn viết...
Chồng cũng theo vợ đi học vì sợ thua thiệt
Nhưng trong "cái khó ló cái khôn", đó là trong số cán bộ hội Phụ nữ xã có 2 người từng làm giáo viên là chị Nông Thị Biên và chị Trần Thị Tráng, đồng lòng vào cuộc nhận nhiệm vụ dạy lớp "xóa mù". 4 lớp xóa mù chữ được mở từ năm 2009 trong tổng số 6 lớp cần mở. Ở cái tuổi 40, 50, các chị Hầu Thị Trá, Đặng Thị Kéo, Bàn Thị Xinh... ở thôn Khau Làng mới bắt đầu làm quen cây bút. Cầm cái dao, cái cuốc to thế mà không thấy nặng bằng cầm cái bút bé này. Tay cứng quá không viết nổi... Bao nhiêu là lời than phiền về cái mệt nhọc của chuyện học chữ... Thế là, cô giáo phải cầm tay từng học sinh nhẹ nhàng đưa theo những nét chữ, hướng dẫn đọc, đánh vần rõ là to. Bản làng dần quen với tiếng đánh vần "ê... a" vào mỗi buổi trưa hè.
Tại lớp học ở Hao Bó do cô giáo Biên phụ trách có 26 học sinh, trong đó có 2 học sinh nam xin "học ké". Anh Lý Văn Luân giải thích: "Phải học để biết cái chữ thôi, vợ nó biết rồi, mình kém vợ thì xấu hổ lắm". Đứng bên vợ, anh Triệu Văn Bình tươi cười nói: "Không phải mình sợ mất vợ đâu, vợ nó bảo đi học cùng cho vui".
Buổi sáng, chị em đi làm đồng, làm việc nhà, 10h lớp học bắt đầu và kết thúc vào 13h. Có người ăn vội bát cơm nguội, miếng nhá miếng nuốt để đến lớp cho kịp giờ học. Có người còn mang cơm nắm đến lớp tranh thủ ăn trong giờ ra chơi. Học sinh tuổi cao, mắt kém, không thể đọc chữ trong sách giáo khoa, thế là một số người lặn lội lên huyện cắt cặp kính lão, về cho mọi người trong lớp thay nhau mượn đeo để chép bài (vì mắt mọi người đều kém nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua kính).
Nhà chị Lý Thị Xuân, ở thôn Hao Bó có hai cô con gái là Triệu Thị Vân và Triệu Thị Trang đêm nào cũng thay nhau dạy chữ cho mẹ. Chị Xuân khoe, đến lớp có cô giáo dạy rồi, đêm về lại có các con dạy nữa nên nhanh nhớ mặt chữ lắm. Cô giáo khen học trò Xuân tiến bộ nhất. Ở lớp, chị Xuân xung phong đọc một dòng chữ dài: "Nhà tôi có hai con lợn. Sang năm tôi bán một con, còn một con để thịt cả nhà ăn". Cả lớp cười tưng bừng, rôm rốp những tràng pháo tay khen ngợi. Chị Dương Thị Mỵ còn địu cả con đến lớp học, tấm tắc khen: "Cái Xuân giỏi quá, mình cũng phải cố gắng học để được như nó".
Sau thời gian học 4 tháng, học sinh phải vượt qua được kỳ thi "tốt nghiệp" bằng một bài kiểm tra. Giờ thì ai cũng quen với mặt chữ nên chẳng lo thi trượt nữa. Chị Đặng Thị Kim, ở thôn Cốc Phường chia sẻ, giờ thì chị có thể tự đi chợ mua bán được rồi, hai vợ chồng còn đọc báo cho nhau nghe, cười khúc khích vì câu chuyện cười ở mãi dưới Hà Nội... Còn chị Bàn Thị Xinh cũng ở thôn Hao Bó hào hứng, biết chữ rồi không còn lo lắng khi lên xã để làm giấy tờ, không phải điểm chỉ nữa vì mình biết viết cái tên "Xinh" rồi đấy. Anh Triệu Văn Bình, ở thôn Hao Bó lại khoe, từ ngày biết chữ, anh đọc hết cả một cuốn sách dài mấy chục trang hướng dẫn chăn nuôi, nhiều kiến thức quý lắm.
Tiếng tăm của lớp xóa mù chữ Yên Thuận lan đến phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hàm Yên. Phòng giao cho trường tiểu học Yên Thuận đảm nhận dạy 2 lớp "xoá mù" còn lại tại thôn Cao Đường và thôn Bơi. Ai cũng say mê học, càng học càng thấy cần phải học. Giàng Thị Mỷ, ở thôn Cao Đường tâm sự như thế. Mỷ muốn học cao lên nhưng lớp học kết thúc rồi. Mỷ bảo, học thế này chỉ dạy được đứa con lớp 1 thôi, lớp sau là chịu. Cô giáo Nông Thị Thâm, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Thuận cho biết, hiểu được ước nguyện của chị em, trường tiếp tục mở lớp học nâng cao trình độ cho lớp "xóa mù". Lớp học nâng cao, học sinh được học những kiến thức về lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên. Thú vị lắm! Giàng Thị Mỷ cười hồn nhiên bảo, được học thì mới biết cái đài nó nói là có tần số phát sóng, vậy mà trước đây Mỷ cứ tưởng là có người nói ở trong đó.
Thành Nam