Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông được người đời sau tôn làm “Võ thánh”, sánh ngang với “Văn thánh” Khổng Tử.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, khi Quan Vũ đưa hai phu nhân của Lưu Bị sang Nhữ Nam rồi dọc đường qua ải chém tướng của Tào Tháo, Hạ Hầu Đôn thấy vậy liền tức tốc cho quân đuổi theo nhằm truy sát Quan Vũ. Trong khi giao chiến với Quan Vũ, thì có người mang văn thư qua đường của Tào Tháo cho Quan Vũ đến, Hạ Hầu Đôn vẫn không cho qua và tiếp tục giao chiến với Quan Vũ.
Sau đó Trương Liêu đến truyền lời của Tào Tháo, Hạ Hầu Đôn đành phải tuân theo lệnh mà rút quân về cho Quan Vũ qua ải.
Video: Quan Vũ đấu Hạ Hầu Đôn.
Hạ Hầu Đôn (? –220), tự là Nguyên Nhượng là công thần khai quốc nhà Tào Ngụy thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những tướng trung thành với Tào Tháo, góp công trong những trận đánh với Lưu Bị, Tôn Quyền, Lã Bố.
Hạ Hầu Đôn là người Tiêu Quận, nước Bái, là đồng hương và là bạn chí cốt của Tào Tháo. Ông cũng là một trong những tướng sĩ đi theo Tào Tháo sớm nhất, cùng Tào Tháo chinh chiến rất nhiều năm.
Năm 190, Tào Tháo tập hợp lực lượng đánh Đổng Trác, Hạ Hầu Đôn cùng em họ là Hạ Hầu Uyên dẫn 1000 quân đến giúp Tào Tháo. Sau đó, liên quân đánh Đổng Trác tan rã, Hạ Hầu Đôn và Hạ Hầu Uyên giúp Tào Tháo tăng cường lực lượng và mở rộng lãnh thổ.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung mô tả, Hạ Hầu Đôn là một người tính tình chính trực nhưng nóng nảy, tử tế và trung thành với bạn bè và gia đình, không khoan nhượng đối với kẻ thù.
Ông rất được Tào Tháo tin tưởng, thường đảm nhận tiên phong, dẫn đầu đội quân xông pha trận mạc. Hạ Hầu Đôn được coi là Quan Vũ của Tào Ngụy, được xưng là Thần Quân, người duy nhất được phép đi chung xe ngựa với Tào Tháo, đây một vinh dự mà ngay cả cận vệ của Tào Tháo là Điển Vi và Hứa Chử cũng không có.
Tuy vậy, trên chiến trường sự nóng nảy của Hạ Hầu Đôn thường dẫn đến thất bại. Tuy có sức mạnh hơn người nhưng Hạ Hầu Đôn có rất ít trận thắng, chủ yếu do nôn nóng rơi vào bẫy của kẻ địch.
Còn theo sử liệu, Hạ Hầu Đôn cũng được Tào Tháo rất tin tưởng. Năm 219 Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu, giao lại bản doanh Nghiệp Thành của nước Ngụy cho thế tử Tào Phi quản lý, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Trong chuyến đi, Tào Tháo đối xử với Hạ Hầu Đôn như một người thân cận và đáng tin cậy, Tào Tháo đã để cho Hạ Hầu Đôn đi cùng xe, ngồi ăn cùng bàn, cho phép ông đi ra vào nhà ở của Tào Tháo mà không cần phải xin phép Tào Tháo.
Sau khi Tào Tháo chết vào năm 220, Tào Phi đã phong chức Đại tướng quân cho Hạ Hầu Đôn, nhưng chỉ 3 tháng sau ông qua đời vì bệnh.
Quốc Tiệp (t/h)