Hội Minh Thề có từ thời vua Mạc Đăng Dung. Vào năm 1561, hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toản – vợ vua Mạc Đăng Dung đã đến và lập ấp Lan Niêu (nay là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) góp công sức và vận động dân làng tu tạo đền chùa.
Bà đã bỏ tiền mua gần 26 mẫu ruộng để mở mang diện tích, dân làng thấy việc làm của bà mạng lại phúc đức nên đã tự nguyện hiến đất cho nhà chùa, diện tích được mở mang lên gần 48 mẫu. Thấy diện tích nhà chùa lớn, nhu cầu sử dụng không hết, hoàng hậu đã giao cho những người trông chùa, người dân cấy hái, sản phẩm thu được chia cho người nghèo.
Lễ hội Minh Thề ra đời trong hoàn cảnh do lương thực dư thừa, tích trữ hàng năm lên đến 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không bị thâm hụt tài sản công, Thái Hoàng, Thái Hậu cùng với dân làng đã lập ra Hịch văn hội Minh Thề. Đối tượng cụ thể là những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần, tương đương với các chức vụ Trưởng, Phó làng, an ninh… hiện tại) và tất cả những người tuổi từ 18 trở lên và giữ cho đến ngày nay.
Tham gia Hịch văn hội Minh Thề những người liên quan phải thề trước các chư vị thần linh nếu lấy của công phục vụ việc công thì được thần linh ghi nhận, nhược bằng tham công lấy của công làm của tư thì nguyện cầu bị trư thần linh đả tử, trời tru đất diệt. Đối với các cụ già đến trẻ phải dụng bảo con cháu không được tham nhũng nếu không nguyện cầu bị trư thần linh đả tử. Những ai trong làng bao che tội phạm, chứa chấp của gian tà cũng nguyện cầu bị thần linh đả tử.
Lễ hội Minh Thề là một lễ hội quan trọng, đặc sắc của người dân làng Hòa Liễu nói riêng và nhân dân huyện Kiến Thụy nói chung, cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử một cách bền vững.
Với những giá trị tốt đẹp của lễ hội, ngày 1/3/2018, bộ VH-TT&DL đã trao bằng chứng nhận hội Minh Thề là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.