Bệnh nhân vào Trung tâm Y tế Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp cứu hôm 13/9. Người nhà kể lại, khi đi làm vườn, chị không may bị ong vò vẽ đốt khắp người.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi da lạnh, môi, chi tím, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
Ê-kíp trực đã xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.
Sau 7 ngày điều trị, đến ngày 20/9, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Từ tháng 8 trở lại đây, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên liên tiếp tiếp nhận nhiều ca bệnh cấp cứu vì ong đốt, nhiều ca trong đó là trẻ em ở tuổi đi học. Có bệnh nhi sau khi bị ong vàng đốt đã ngất tại chỗ, đưa đi cấp cứu trong tình trạng mẩn đỏ toàn thân, chân tay lạnh và khó thở. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, xử trí liên tục, tình trạng bé được cải thiện, ổn định dần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Việt, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm. Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Những trường hợp bị ong đốt 1 - 2 nốt có thể bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt từ 5 - 10 nốt trở lên và kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở vị trí đầu, mặt cổ với số lượng nhiều... cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ khám, cấp cứu kịp thời.
H.Anh (T/h Theo VietNamNet, VTV)