Cô giáo đã lớn lên trong môi trường đầy bạo lực?
Những ngày qua, việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên trường THCS Duy Ninh yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận, mà còn khiến nhiều thầy cô giáo trong ngành buồn, đau xót.
Mới đây, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc nói chuyện với Ths. Phạm Phúc Thịnh - Hiệu trưởng hệ thống trường Việt – Mỹ (VASCHOOLS), nghe thầy Thịnh chia sẻ những tâm tư về sự việc cô giáo bắt cả lớp tát 231 cái vào một học sinh.
Khi được hỏi về cảm giác đầu tiên khi nghe được sự việc này, thầy Thịnh cho biết: “Ngay sau ngày 20/11, hầu như tất cả các thầy cô giáo đều biết chuyện này qua các kênh thông tin, chắc hẳn ai cũng buồn và xót xa. Ai trong ngành giáo dục cũng đều biết, những hành động như vậy là bị cấm. Tôi tự hỏi, không biết các thầy cô không cập nhật thông tin hay sao mà vẫn tiếp tục phạm sai lầm như vậy?
Khi đọc thông tin về cô giáo Thủy, nhiều người lên án cô giáo là vô lương tâm, lên án cô giáo là ác quỷ, lên án cô giáo là phù thủy... Nhưng tôi thì không lên án cô giáo ấy, mà cảm thấy thương, thương cho sự cùng đường trong cách giáo dục học sinh của cô giáo ấy. Có lẽ, cô giáo không thể nghĩ ra cách nào khác để dạy học sinh của mình”.
Xem video: Thương cho sự cùng đường trong cách giáo dục của cô giáo bắt cả lớp tát 231 cái lên mặt học sinh:
Thầy Thịnh cho rằng, thứ nhất, theo góc độ tâm lý học mà thầy nhìn thấy, không phải bỗng dưng cô Thủy có cách ứng xử như vậy với học sinh của mình. Phải chăng, cô Thủy cũng đã từng lớn lên trong một môi trường giáo dục đầy bạo lực như thế? Vì chỉ có thể lớn lên trong một môi trường giáo dục bạo lực như vậy, cô ấy mới tin rằng chỉ có duy nhất bạo lực mới là con đường "giáo dục" học sinh thành người. Nhưng cô giáo này lại quên mất một điều, con đường bạo lực là con đường tệ hại nhất để giáo dục học sinh. Vì thế, cô không nhận thức được vai trò giáo dục và tầm quan trọng của các cách kỷ luật học sinh.
Thứ 2, đó là cách giáo dục học sinh bằng sự yêu thương - tôn trọng - lắng nghe đã được chia sẻ rất nhiều trên Internet, trên các trang mạng xã hội, trên YouTube,... Có lẽ vì không tin rằng tình thương có thể làm biến đổi học sinh hư, nên cô giáo đã không mở lòng đón nhận những kiến thức đó. Cô giáo không đủ tin tưởng để áp dụng và không đủ kiên trì để đeo đuổi khi gặp thất bại ở những lần đầu. Sau đó, cô mang chính kinh nghiệm trải qua để áp lên học sinh của mình.
Thứ 3, chúng ta thương cho cô giáo, có thể đã chọn lầm nghề!
Cô hiệu trưởng vô cảm một cách trắng trợn!
Không chỉ lên án, bức xúc trước hành động dã man của cô Thủy, mà dư luận còn phẫn nộ hơn trước hành động và những lời nói của cô hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh khi xin truyền thông và gia đình im lặng vì trường sắp được công nhận trường chuẩn.
Về điều này, thầy Thịnh bày tỏ: “Suy cho cùng, cô giáo Thủy cũng chính là nạn nhân của "bệnh thành tích mì ăn liền" của kiểu trồng rau gieo hạt tối nay. Vì ham muốn thành tích nên người ta bất chấp tất cả, bằng mọi cách để thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn. Cô hiệu trưởng đã không nghĩ đến học sinh bị tổn thương thế nào và thể hiện sự vô cảm một cách trắng trợn".
Cô hiệu trưởng đã không nghĩ đến học sinh bị tổn thương thế nào, vô cảm khi năn nỉ báo chí đừng đưa sự việc lên công luận vì trường chuẩn bị đón nhận công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Là hiệu trưởng một trường học, nhưng tâm hồn cô không phải dành cho học sinh, lo cho những buồn vui, những nỗi đau thể xác tâm hồn của học sinh thân yêu của cô. Thương vì trái tim và bộ não của cô đã bị hóa đá, chỉ còn quan tâm đến độ vững chắc của cái ghế cô đang ngồi.
Và câu hỏi duy nhất thầy Thịnh đặt ra: "Sự giáo dục nào, trường lớp nào đã đào tạo ra một cô hiệu trưởng như thế? Chính vì hiệu trưởng như thế mới có thể tạo ra những giáo viên "231" như cô giáo khốn khổ như cô giáo Thủy".
Giáo dục là tôn trọng, yêu thương và lắng nghe
Sự việc cô giáo bắt cả lớp tát 231 vào một học sinh vẫn đang nóng lên từng giờ, nhiều người đề nghị cho cô giáo thôi việc hoặc truy tố cô giáo trước pháp luật. Thầy Thịnh cũng bày tỏ quan điểm riêng của mình: “Tất nhiên hành vi của cô giáo đó đủ yếu tố cấu thành tội thì chuyện pháp luật xử lý đó là điều bắt buộc.
Theo thầy Thịnh, hiện nay, việc truyền thông và định hướng giáo dục theo hướng mới chưa thấm được vào từng thầy cô. Định hướng giáo dục là tôn trọng, yêu thương và lắng nghe học sinh chưa được sâu, chỉ mới là bề ngoài.
Rất nhiều thầy cô ở lứa tuổi 40 trở lên vẫn cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Nhưng cũng là một thầy giáo, thầy Thịnh "mong các bạn đồng nghiệp nhớ cho một điều, trong quy định của ngành giáo dục nêu rất rõ nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành học sinh. Thầy cô phải tương tác giáo dục bằng yêu thương, tôn trọng và lắng nghe. Nếu thất bại 1, 2 lần thì các thầy cô hãy ngồi lại nhìn vì sao mình thất bại. Chứ đừng thấy khó quá và bỏ cuộc, quay trở lại với phương pháp giáo dục bằng roi vọt".
Thầy Thịnh cũng mong muốn, những danh hiệu thành tích ảo, chuẩn mực ảo nên giảm bớt để giáo viên được nhẹ nhàng hơn trong việc giáo dục học sinh cá biệt. Bởi, giáo dục học sinh cá biệt không phải thời gian ngày 1, ngày 2 có kết quả. Quá trình chuyển biến 1 em cá biệt thành 1 em có năng lực đòi hỏi ít nhất 1 học kỳ, phải từ từ uốn nắn nếu không sẽ để lại hậu quả đáng tiếc!