Cô giáo Thanh Hoài Thanh, tên thật là Vũ Thị Hoài Thanh là cựu giáo viên trường THPT Chu Văn An, hiện đang là giáo viên luyện thi môn Ngữ văn tại Hà Nội – một cái tên không mấy xa lạ với những bạn học sinh cuối cấp.
Khi được Người Đưa Tin (NĐT) hỏi tại sao cô lại chọn lối dạy văn lạ lùng, mang đời vào trong từng giờ giảng?, cô Thanh nói rằng: “Cách dạy của tôi không có gì là mới nhưng vì không ai làm nên nó trở thành lạ”.
Văn không chỉ là kiến thức, văn còn là đời
NĐT: Người xưa có câu “Lập thân tối hạ thị văn chương”, là người đã từng học 3 lĩnh vực khác nhau, tại sao đến cuối cô lại chọn nghiệp dạy Văn?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Câu chuyện tôi đến với nghề cũng có nhiều điều thú vị và có lẽ đúng hơn nghề giáo đã chọn tôi. Nhưng điều mạnh mẽ, thúc đẩy tôi ở lại với nghề thì xuất phát từ tình yêu với đứa con của mình, tôi làm nghề với chính tâm huyết của một người mẹ đem tình yêu thương và khát vọng cho đứa con.
Bởi lẽ, không có cha mẹ nào có thể tự giáo dục được con cái mình hoàn toàn, khi vấp ngã chúng ta thường tìm đến những người xung quanh, nhưng đôi khi tìm không đúng người.
Khi tôi hiểu được điều đó, tôi mong rằng con mình ra đời mình không thể dạy hết, thì sẽ có những người khác giống có thể chia sẻ với con của mình.
Và dù điều tôi làm là nhỏ bé, nhưng cũng muốn đóng góp một phần để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, giúp những đứa trẻ được sống ở môi trường hạnh phúc. Chỉ như vậy con tôi mới được lớn lên trong một cộng đồng tốt đẹp.
NĐT: Ngoài tình yêu thương học trò, cô cũng nổi tiếng là người rất kỷ luật với học sinh, thậm chí nhiều người cho rằng là cứng nhắc, không phù hợp. Vậy tôn chỉ giáo dục các em học sinh mà cô theo đuổi là gì?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Tôi quan tâm đến giá trị nhận thức và tư tưởng của học trò chứ không có tư duy đến lớp chỉ dừng lại kiến thức trong sách vở, ghi chép đầy đủ và có điểm đem về. Chỉ những phụ huynh và học sinh nào phải thật sự hiểu mới theo học tôi, còn không sẽ băn khoăn cô này dạy cái gì vì cô ấy nói nhiều quá (cười).
Để đạt được những giá trị đó thì cần có văn hoá lớp học và kỷ luật. Tôi là người rất nghiêm khắc và thậm chí học trò còn bảo là kỷ luật thép. Trong lớp học có nội quy rất nghiêm được thực hiện từ giáo viên, đội ngũ nhân viên và học sinh. Bởi sử dụng văn hoá cho học sinh hiểu và để làm tốt thì phải có kỷ luật.
Đôi khi chúng ta rất mong manh về khái niệm, nên nếu bản thân không có kỷ luật, sẽ không tham gia được vào đoàn thể, không có sự thăng tiến đối với chính bản thân mình.
Dù kỷ luật nhưng vẫn phải tạo cho các em môi trường học tập hạnh phúc, yêu thương. Chủ động, hợp tác, chia sẻ, đoàn kết là những điều bạn sẽ thấy ở lớp học tôi dạy. Bởi tôi quan niệm một người thầy không chỉ dạy hay mà phải có phương pháp sư phạm, quản lý để học trò học tập.
Tôi không kiểm tra đầu vào và có tư duy chê học trò vì nếu dạy cho một người giỏi trở nên xuất chúng không phải người làm giáo dục, mà người thầy phải làm thế nào để trò thay đổi về kiến thức và nội lực.
Tôi rất thích câu “Người thầy là tấm gương vĩ đại”. Với tôi người thầy phải nhìn lại mình mỗi ngày và tự hỏi mình đã làm được gì cho trò.
NĐT: Theo lẽ thường, thế hệ của tôi và hay như cô là sản phẩm của “học tủ, học vẹt”, nhưng lý do gì cô lại chọn phương pháp dạy văn không giống ai như vậy? Thậm chí nhiều lúc cô cũng tự nhận cảm thấy cô đơn trên con đường mình chọn?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Thú thật có những lúc tôi rất đơn độc trong phong cách và cách giảng của mình, có nhiều luồng ý kiến và thậm chí "bão tố". Từ phong cách dạy, bài giảng, soạn giáo án, quan điểm tiếp cận học trò của tôi cũng rất khác, khác rất nhiều với phong cách giáo dục truyền thống, nhưng tôi hiểu được mình làm vì cái gì và được cái gì.
Việc học thuộc lòng một bài rồi đi thi, sẽ không có kiến thức. Thực sự việc này là một hệ quả rất lớn, văn là đời, văn không chỉ là nói mà phải viết. Không tự nhiên Ngữ văn trở thành môn chính nhưng nhiều người vẫn chưa nhìn thấy tầm quan trọng của môn Văn. Văn không chỉ là văn hoá, văn hiến của một Đất nước, không chỉ là truyền thống tốt đẹp, văn còn là dạy chúng ta vốn sống của cuộc đời.
Nếu không nhìn ra được giá trị của môn Văn cho học trò, chúng ta sẽ dạy theo kiểu “có tiền bỏ túi” và chỉ cần mang lại điểm số cao.
Họ dạy như vậy cũng không sai vì họ làm đúng, làm đủ nhưng không làm trúng với môn Văn. Dẫn đến hệ luỵ cho học sinh đọc và chép miễn làm sao đúng với kỳ thi nhưng không trúng với cuộc đời. Mục đích của môn Văn sinh ra để làm gì họ không cần quan tâm, đấy là nỗi đau mà tôi nhìn ra.
Nhìn vào tri thức, không nhìn thành tích
NĐT: Vậy cô Hoài Thanh đưa đến cho học trò phương pháp nào?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Cách dạy của tôi không có gì là mới nhưng vì không ai làm nên nó trở thành lạ. Tôi không có cái gì là mới và sáng tạo nhưng tôi thực muốn học sinh phải trở về với bản chất của môn học.
Với dữ liệu mở như hiện nay, tài liệu để chép, học thuộc nhiều vô cùng, thậm chí tràn lan. Nhưng nếu không có tư duy, không có nhận thức bản chất, không có nhìn nhận đúng các con sẽ không phân biệt đâu là đúng đâu là sai, các con cứ chép như một con vẹt.
Người ta tự xưng là thầy trong xã hội nhưng thực ra họ là thợ. Đấy không phải là giáo dục, vì giáo dục không phải là thành tích, tôi vẫn nói với học trò “mình chỉ biết chạy đua nhưng không biết đua vì cái gì. Mình chỉ nhìn thấy thành tích, điểm số nhưng mình không có cái gì”. Chúng ta cần nhìn phải vào tri thức chứ không phải là thành tích.
Tôi đi theo con đường này để giúp các em hiểu bản chất của vấn đề, nếu chỉ đọc chép học thuộc sẽ chỉ là đối phó với kỳ thi, thậm chí nếu đối mặt với áp lực lớn sẽ hoàn toàn mất đi kiến thức. Nhưng khi học về với bản chất sẽ biến từ tư duy người thầy trở thành tư duy của trò, đi sâu vào tiềm thức, giúp các em vững vàng bước vào đời chứ không chỉ dừng lại ở một kỳ thi nào cả.
NĐT: Hàng triệu học sinh sắp bước vào mùa thi vô cùng khốc liệt, gửi tới các em những bí kíp ôn tập của môn Ngữ văn, cô có chia sẻ gì?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Một cuộc thi không chỉ đối diện với kiến thức, mà còn tâm lý và áp lực kỳ thi. Các em phải hiểu bản chất tất cả các văn bản trước khi tìm đến “mẹo” làm bài. Chỉ học bằng tư duy và hiểu thì mới vững vàng bước vào kỳ thi.
Đừng nên đang có kiến thức hổng mà lại đi học mẹo và các từ khoá, hãy nhớ học để hiểu sâu sắc vấn đề trong từng văn bản. Khi đã hiểu vấn đề trong văn bản tóm lại thành sơ đồ tư duy.
Thứ 2 về kỹ thuật làm bài, làm đề thực chiến. Các em phải hiểu thế nào là câu nhận biết, câu nào là thông hiểu, câu vận dụng và câu vận dụng cao. Nhận diện được nó để có phương pháp làm từng câu hỏi, chiếm trọn điểm bài làm.
Để viết được câu nghị luận tốt cần có 2 điều đó là nắm được cấu trúc của bài văn nghị luận, những yêu cầu cần đạt trong bài. Hiểu được bản chất thế nào lý lẽ, kiến giải lý lẽ, đưa những kiến giải chắc chắc, đanh thép, sâu sắc, để dẫn chứng làm sáng tỏ lý lẽ. Cùng với đó, tạo ra mạch logic có sự chuyển ý, chuyển câu nhịp nhàng. Cuối cùng các em hãy liên hệ mở rộng, tư duy đa chiều để từ đó các con có được mẹo làm bài.
NĐT: Đứng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời, không ít học sinh đang băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề. Việc thiếu thông tin hoặc chưa hiểu đúng về năng lực bản thân cũng như đặc điểm ngành nghề dễ dẫn đến những sai lầm trong quá trình xác định nghề nghiệp. Vậy theo cô, đâu là hướng đi cho các em, với nghề giáo có yêu cầu gì đặt biệt hơn không?
Cô Vũ Thị Hoài Thanh: Cuộc đời có 2 lựa chọn quan trọng đó là chọn nghề và chọn bạn đời.
Chọn nghề không chỉ là cuộc sống mà điều quan trọng các em phải hạnh phúc với nghề mình chọn. Không nên chỉ nhìn vào quả ngọt, xem nghề đó có hot không, có nhiều tiền không mà phải nhìn vào sở thích, tài năng của chúng ta có với nghề. Dù là nghề gì cũng cần đòi hỏi các em phải có tài năng, năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế của gia đình, đạo đức nghề nghiệp.
Ngoài ra, môi trường học tập cũng ảnh hưởng đến nhiệt huyết và trái tim yêu nghề của chúng ta, hun đúc tuổi trẻ khát vọng ước mơ. Nếu đủ nỗ lực thì nghề nào cũng có thể thành công, đủ cống hiến sẽ nở hoa.
Đối với nghề giáo, tôi nghĩ rằng là nghề đặc thù đòi hỏi một người đủ yêu, đủ hy sinh, bao dung và cống hiến. Một học trò là một cuộc đời huống gì chúng ta dạy hàng trăm học trò thì hàng trăm cuộc đời sẽ được gieo vào xã hội.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của cô!