Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, bút danh Nguyễn Như là một trong những cây bút trẻ những năm gần đây được nhiều người biết đến. Với kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn hơn 20 năm và niềm đam mê viết lách cô đã đưa văn học - nghệ thuật đến gần hơn với học sinh và quê hương Hạ Long, Quảng Ninh. Năm 2007, cô được kết nạp hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.
Với “bộ sưu tập” giải thưởng từ cấp huyện, cấp thành phố, đến cấp tỉnh, cấp trung ương thành tích mà ít giáo viên nào có được, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt khiến nhiều người nể phục và ngưỡng mộ. Năm 2010, cô là một trong năm cá nhân trên cả nước nhận giải thưởng KoVa với nội dung là tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội; Giải Ba của Bộ Tư pháp cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Giải Ba cuộc thi tìm hiểu 70 năm lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh; Giải Nhì cấp tỉnh tìm hiểu 90 năm vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam.… Năm 2021, cô giáo Nguyệt nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo gương Bác – đó chính là động lực để cô cố gắng hoàn thiện bản thân, giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ.
Người Đưa Tin đã có dịp được trò chuyện với cô Nguyễn Thị Nguyệt để nghe chia sẻ về tình yêu của cô với nghề giáo và chặng đường đem chữ lên cho các bản nhỏ vùng cao.
Tình yêu và niềm đam mê với nghề giáo
Người Đưa Tin (NĐT): Nghề giáo được biết đến là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nhưng bên cạnh đó cũng vô vàn khó khăn, vất vả. Vậy lý do nào khiến cô lựa chọn nghề giáo, theo cô tố chất cần có của một người giáo viên là gì?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Tôi đến với nghề giáo như là duyên nợ. Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Việc lựa chọn vào sư phạm với tôi khi tốt nghiệp THPT là vì hoàn cảnh gia đình, học sư phạm thì không phải nộp học phí. Tôi chưa từng được đặt chân đến cổng trường đại học, cho đến khi đi làm, tôi mới học lên đại học, cao học…
Khi đi làm, gắn bó với trường lớp, học sinh, tình yêu nghề cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” – đương nhiên đòi hỏi nghề giáo có những chuẩn mực và đáp ứng các yêu cầu về: đạo đức, chuyên môn, sáng tạo, đam mê và tâm huyết…
Trong nhà trường chúng tôi được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, một trong những nhiệm vụ cần thiết tiếp theo của người giáo viên là giữ gìn, bồi đắp lòng yêu nghề và luôn phải xác định chính mình cũng đang trên con đường hoàn thiện bản thân để có thể làm tốt nhất vai trò của mình đối với nghề dạy học.
NĐT: Thưa cô, được biết sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô đã lên vùng cao dạy học. Vậy điều gì đã thúc đẩy cô đưa ra một quyết định mạo hiểm và vất vả như thế?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tôi đã viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học. Khi đó, có rất nhiều xã vùng cao còn khó khăn, hiện tượng mù chữ ở lứa tuổi thanh thiếu niên khá phổ biến. Lúc ấy tôi mới 21 tuổi mà học trò nhiều cô, cậu đã 15, 16 tuổi, thậm chí có học sinh chỉ ít hơn tôi vài, ba tuổi.
Các em là người dân tộc Dao, có chuyện gì muốn trao đổi với nhau, các em chỉ thì thầm bằng tiếng Dao. Quả thực khi ấy đến rồi thì thấy sao mà khó khăn quá, nhiều lúc muốn hòa mình với các em, muốn các em hiểu thiện chí của mình mà không được, cũng tủi thân, cũng có lúc nản lòng.
Và rồi tôi vẫn chinh phục được mọi khó khăn. Động lực ở đâu cũng chẳng biết nữa, lúc ấy có sức trẻ, phần nữa chắc là do hoàn cảnh của tôi không được may mắn, cả bố mẹ đều mất sớm, nên dễ thông cảm với những đứa trẻ khó khăn hơn. Và vì thế mà thấy yêu trẻ, yêu nghề giáo hơn.
NĐT: Khi công tác tại vùng cao đặc biệt khó khăn, cô có bao giờ cảm thấy tủi thân và suy nghĩ về lựa chọn của mình không? Cô từng là một giáo viên trẻ nhất của huyện tham gia thi giáo viên giỏi tỉnh lúc bấy giờ, là cô giáo nhận giải thưởng KoVa – vì lý do đặc biệt gì vậy?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Đúng là đã có những phút nản lòng, tủi thân, nhưng hối hận về lựa chọn của mình thì chưa. Đúng là tôi vẫn cần động lực để vượt qua những giây phút ấy. Đó là sự ngây ngô đáng yêu ở lũ trẻ hay thành tích nho nhỏ của học trò. Đó là tình đồng nghiệp ở nơi khó khăn, thiếu thốn, là tuổi trẻ, nhiệt huyết. Đó còn là sự động viên, chia sẻ.
Tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp, nhiều lần được nhận giấy khen của các cấp, may mắn được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Hội khuyến học Việt Nam, là đại diện Quảng Ninh được tham dự chương trình 70 năm Bác Hồ ra lời thi đua ái quốc ở Hà Nội…
Năm 2010, tôi đã là một trong năm cá nhân trên cả nước nhận giải thưởng KoVa với nội dung là tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội – về việc đã giúp đỡ học sinh nghèo và tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả với học sinh vùng cao. Đây cũng chính là niềm vinh dự trước sự ghi nhận của các tổ chức đoàn thể, của xã hội dành cho cá nhân tôi.
NĐT: Xin cô chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cô trong suốt khoảng thời gian 9 năm công tác trên vùng cao?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Kỷ niệm đáng nhớ của tôi thì rất nhiều. Vui có, buồn có. Buồn là đã từng có học trò nghèo đi nhặt than bán bị tai nạn và liệt một phần cơ thể, không còn được đến trường nữa và tôi không thay đổi được hoàn cảnh đó. Nhưng em ấy đã nỗ lực để là một người “tàn nhưng không phế”, sau này em đã chăn nuôi, tăng gia sản xuất và tự ổn định được cuộc sống.
Đó là những 20/11 nhận những bó hoa dại học sinh thái ven đường còn lem bụi đất, dúi vào tay cô không một lời chúc. Là những lần đi bộ đường xa vận động học sinh đi học, bị bố học sinh say rượu đuổi về nhưng vẫn cố nán lại, được học sinh hái mít cho ăn để qua cơn đói, đợi bố em tỉnh rượu vào nói chuyện xin cho em đi học tiếp. Đó là những lần vào lán thợ xây tìm học sinh do đêm đi nhặt than bán, ngày buồn ngủ trốn học…
Về niềm vui, tôi đã từng là một giáo viên vùng cao đầu tiên ở địa phương ôn học sinh giỏi bộ môn Văn đạt giải tỉnh. Ngày đưa học sinh đi thi là học sinh cũng vào nhập viện luôn. Học sinh là nam mà cô thức bên cả đêm để trông, sáng hôm sau học sinh vẫn nằng nặc đòi đi thi cô dìu đến tận cửa, hội đồng thi đặc cách cho cô giáo được ngồi trong sân đề phòng học sinh có vấn đề sức khỏe. Trò đã nỗ lực làm bài và đạt giải huyện, giải tỉnh. Thành công của học trò chính là niềm hạnh phúc của người thầy.
Tiến gần hơn với nghệ thuật
NĐT: Tôi đang tò mò cơ duyên nào đã đưa cô đến với nghiệp viết? Có phải mọi người ví cô là “cô giáo của những giải thưởng”?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Tôi từng mơ ước trở thành nhà báo, và tôi tạm hài lòng khi tâm niệm lời động viên của một người bạn: “Làm nhà giáo vẫn có thể viết sách, viết báo nhưng là nhà báo dễ đâu mà được gọi là cô, là thầy?”. Tôi là giáo viên dạy Văn, việc viết lách có thể giúp tôi có thêm vốn từ và làm giàu chữ nghĩa cho bản thân. Tôi viết là để rèn luyện. Tôi viết lách từ khi còn đi học. Tôi chăm đọc nên việc viết không quá khó khăn, tôi luôn nghiêm khắc với bản thân và tự nhủ không được phép hài lòng với chính mình.
Tôi từng tham gia nhiều cuộc thi viết, thi tìm hiểu và đạt giải từ cấp huyện, thành phố, đến cấp tỉnh, cấp trung ương. Nói chung giải thưởng viết thì nhiều lắm, nhưng tôi viết hoặc tham gia là vì đam mê, vì trách nhiệm…. Tôi viết về cuộc sống đời thường, về những rung động và cảm nhận xung quanh. Vì mình vốn là người nhận được nhiều yêu thương từ mọi người, từ cuộc đời. Tôi luôn mong muốn gửi gắm đến bạn đọc thông điệp về sự yêu thương, về suy nghĩ tích cực sau những nước mắt và khổ đau.
NĐT: Tôi được biết cô là một người hâm mộ bóng đá trong nước, để thể hiện tình cảm của mình với tình yêu bóng đã cô đã cho xuất bản tập thơ “Khi bóng đá không chỉ là bóng đá”, cô có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm này được không?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt: Tập thơ “Khi bóng đá không chỉ là bóng đá” do tôi tập hợp các bài viết trong 5 năm – khi thầy Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đồng thời cũng có một số bài dành tặng bóng đá nữ. Tập thơ với phần bìa minh họa nhận sự hỗ trợ từ con gái, các tranh minh họa do tôi vẽ.
Tập thơ có một số bài và phần lời mở đầu được dịch sang tiếng Hàn nhờ sự giúp đỡ của một vị đại sứ tốt bụng – bởi tôi muốn ít nhất khi đến tay thầy Park, thầy sẽ cảm nhận được tình cảm yêu mến của người hâm mộ Việt Nam dành cho thầy. Và cũng thật may mắn khi tôi đã có cơ hội được trao tặng tận tay thầy, được thầy đón nhận rất vui vẻ và trân trọng.
NĐT: Cảm ơn sự chia sẻ của cô!
Vương Mai