PV: Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, ông có đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017?
PGS Mai Văn Trinh: Nhìn lại kết quả kỳ thi THPT QG 2017, tôi có thể đánh giá trên mấy khía cạnh như sau:
Khác với kỳ thi những năm trước đó, năm nay, các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh, lần đầu tiên thí sinh có thể dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay tại địa phương. Vì vậy, kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội.
Theo phương thức tổ chức thi mới, thí sinh có thể thi nhiều môn hơn nhưng thời gian rút ngắn hơn trước. Trước đây, kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày, nay rút xuống còn 2,5 ngày. Lịch thi các bài thi, thời gian làm bài giữa các môn thi thành phần được sắp xếp tối ưu để thí sinh có thể làm bài với tinh thần thoải mái nhất.
PV: Thống kê cho thấy, số thí sinh vi phạm quy chế thi trong kỳ thi năm nay giảm mạnh, trong cả kỳ thi chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế (năm 2016 là 328 thí sinh). Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc số thí sinh vi phạm quy chế giảm? Có hay không nguyên nhân từ việc buông lỏng trong coi thi?
PGS Mai Văn Trinh: Trước hết, cần khẳng định không có việc các địa phương buông lỏng trong coi thi khi giao vai trò chủ trì cụm thi cho các sở GD&ĐT. Kỳ thi đã huy động gần 40.000 cán bộ đến từ các ĐH, CĐ tham gia coi thi, giám sát phòng thi với tỉ lệ cán bộ coi thi tại mỗi phòng thi là 50%-50%; cán bộ ĐH, CĐ cũng làm Phó Chủ tịch hội đồng thi, Phó trưởng điểm thi; cán bộ giám sát. Giáo viên không coi thi tại điểm thi có học sinh lớp 12 mình đang dạy.
Gần 90.000 cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi bằng trách nhiệm, lòng tự trọng của mình đã thực hiện đúng nhiệm vụ theo quy định của mỗi cán bộ coi thi. Vì vậy, xã hội cần có niềm tin vào đội ngũ này, giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng niềm tin, các giải pháp quản lý sẽ tạo cơ sở để niềm tin ấy được đặt đúng chỗ và vững bền.
Việc chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (trong đó có 37 thí sinh - hơn 50% bị đình chỉ khi thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận) là do tác động của phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức trắc nghiệm, các câu hỏi trong đề thi phủ kín chương trình lớp 12, rất khó để thí sinh có thể học tủ, chuẩn bị “phao thi” hay các hình thức gian lận khác.
Mặt khác, trong môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có mã đề thi riêng của mình, thời gian làm bài thi trắc nghiệm lại ngắn nên rất khó để thí sinh có thể trao đổi, quay cóp, nhìn bài, hay các hình thức gian lận khác.
Kỳ thi lấy kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ nên tính cạnh tranh giữa các thí sinh cũng cao hơn so với chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh với 2 cán bộ coi thi thì rất khó để các em vi phạm khi cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, việc đổi mới phương thức thi cũng tác động đến suy nghĩ, hành vi tích cực của các thí sinh. Việc các em đã nghiêm túc hơn trong thi cử, số thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi giảm là tín hiệu tích cực ban đầu, cũng cần được ghi nhận đúng mực để không tổn thương đến sự trong sáng của các em, khuyến khích các em trung thực trong cuộc sống và học tập.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công Luân