Không phải cứ thay đổi lời khai là bị ép cung
Thưa ông việc bị can, bị cáo luôn thay đổi lời khai trong quá trình tố tụng, đã gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi lẽ theo quy định tại Điều 10 Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc thay đổi lời khai trong quá trình tố tụng là quyền của đương sự, song với nghĩa vụ và trách nhiệm chứng minh thì cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng phải chứng minh, làm rõ việc thay đổi lời khai của bị can bị cáo trong suốt quá trình tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Để xem xét đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án nhằm chứng minh có, hay không có hành vi phạm tội, nếu như có sự thay đổi lời khai theo hướng chối tội của bị can bị cáo mà không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án thì người tiến hành tố tụng cần thể hiện bản lĩnh cũng như nghiệp vụ của mình để chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.
Ông Nguyễn Chiến - Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Nếu xét thấy việc bị can bị cáo thay đổi lời khai theo hướng nhận tội nhưng lại thiếu căn cứ, cũng cần phải xem xét có sự ép cung hoặc có bị sự tác động nào đó trong quá trình tố tụng hay không. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng. Việc bị can, bị cáo không nhận, có nhận hoặc thay đổi lời khai trong quá trình tố tụng theo tôi, cũng không làm ảnh hưởng nhiều tới việc điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng rõ ràng điều này càng buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội để đánh giá khách quan những lời khai cũ và mới để xác định đúng bản chất của vụ án, đảm bảo tính vô tư, khách quan trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Có ý kiến cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng thường quan tâm đến chứng cứ buộc tội mà bỏ qua các chứng cứ gỡ tội trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ. Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?
Theo quy định tại Điều 63 BLTTHS, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, trên cơ sở đánh giá chứng cứ một cách khách quan toàn diện: Lời khai của bị can, bị cáo; lời khai của người bị hại, người làm chứng; biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng; kết luận giám định để chứng minh việc điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ hay không.
Tuy nhiên trên thực tế, cũng có một số trường hợp thiên về chứng cứ buộc tội, ít quan tâm đến chứng cứ gỡ tội điều đó có thể dẫn đến việc đánh giá không đúng về tội danh, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Giải pháp
Dư luận cho rằng việc làm sai lệch hồ sơ có liên quan điến việc mớm cung, ép cung, dụ cung. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc có hay không dụ cung, mớm cung, ép cung cần phải dựa trên chứng cứ, có căn cứ pháp luật. Còn việc sai lệch hồ sơ thì có nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, tại một số phiên tòa, có bị cáo phản cung, thay đổi lời khai... Để lý giải cho việc phản cung, thay đổi lời khai đó, bị cáo cho rằng mình bị mớm cung, dụ cung, ép cung. Nhưng lời khai của họ tại tòa thường được đánh giá là không có căn cứ bởi việc lấy lời khai chỉ diễn ra giữa điều tra viên và bị cáo, không có người chứng kiến. Do đó những bản cung có sự tham gia của người bào chữa, như luật sư, kiểm sát viên cho bị can trong giai đoạn điều tra sẽ khắc phục được tình trạng này và đảm bảo sự vô tư khách quan trong quá trình điều tra.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc dùng nhục hình, nếu xảy ra việc mớm cung, dụ cung, ép cung, những hành vi này, tuỳ theo mức độ vi phạm, nhẹ là kỷ luật, nặng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự...
Xin cảm ơn ông!
Điều 299. Tội bức cung 1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. |
THU HÀ (thực hiện)