Khi đến khám tại bệnh viện, chị P. cho biết: “Ở cơ quan có đồng nghiệp bị nhiễm cúm A, trước khi khám 2 ngày tôi có biểu hiện sốt nóng, nhiệt độ cao nhất 38 độ C, ho khan, đau rát họng, khàn tiếng, chảy nước mũi. Về bản thân tôi và gia đình khỏe mạnh bình thường, nhưng thấy những triệu chứng khác thường này khi mang thai, tôi rất lo lắng nên để an tâm thì đi khám”.
Quá trình thăm khám chị P. ngoài xuất hiện các dấu hiệu bất thường theo như lời kể thì chị còn có dấu hiệu dây thắt dương tính, ngoài ra không có biểu hiện bất thường nào khác như không đau ngực, không khó thở, không xuất huyết dưới da, không chảy máu cam, không chảy máu chân răng, không ra huyết, mạch và huyết áp bình thường.
Để tìm nguyên nhân chính xác, chị P. được chỉ định làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, CRP, điện giải đồ, AST, ALT, GGT, Ure, Creatinin, xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, cúm AB, tổng phân tích nước tiểu và được nội soi tai mũi họng, siêu âm thai.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương-Chuyên khoa Truyền nhiễm, BVĐK MEDLATEC cơ sở 3 chia sẻ: “Do khi mang thai hệ miễn dịch của mẹ bầu yếu hơn, rất dễ bị tấn công bởi các virus. Trường hợp của chị P. không chỉ được chẩn đoán mắc cúm A, mà còn mắc cả sốt xuất huyết, việc đồng nhiễm hai bệnh truyền nhiễm trên thai phụ là rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ, biến chứng ở cả mẹ và thai nhi như gây dị tật thai nhi, sảy thai, chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật. Nhưng rất may mắn trường hợp của chị P. đi khám sớm nên được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng khôn lường xảy ra”.
Từ đây, chuyên gia đưa ra những lưu ý cho mẹ bầu mùa dịch:
Theo chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần lưu ý được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh:
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà nếu không có sự tư vấn của bác sĩ.
- Theo dõi sát nhiệt độ, vì sốt có thể gây ảnh hưởng khôn lường cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C, mẹ bầu cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và tăng cường các loại nước trái cây (nước chanh, cam, bưởi, dưa hấu...), mặc quần áo rộng/ mỏng.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
- Tránh những căng thẳng, lo âu gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
- Tiêm phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
- Nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chảy máu, đau bụng, mệt mỏi... thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
- Để tránh bệnh sốt xuất huyết cần mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm không cho muỗi vằn phát triển, tránh đến nơi có người mắc để hạn chế lây nhiễm.
Hồng Anh (T/h theo VTC News, Việt Nam Net)