Phát triển hạ tầng
Với lợi thế hạ tầng giao thông kết nối vùng thuận lợi, công nghiệp thương mại dịch vụ đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tỉnh Bình Dương vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Dương và ngành công thương luôn chú trọng xây dựng hệ thống logistic, đầu tư về chất lượng quy mô về dịch vụ, lưu trữ, vận chuyển xuất nhập khẩu để đáp ứng cho sự phát triển vận hành của nhiều doanh nghiệp.
Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Bình Dương kỳ vọng tỉnh này sẽ trở thành một trong những trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng hóa, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.
Tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển dọc đường Vành đai 4 Tp.HCM thuộc địa bàn Tp.Bến Cát sẽ trở thành khu đô thị Cảng - Logistics - Dịch vụ (quy mô hơn 2.702ha, khu vực xã An Tây, xã An Điền và Phú An, Tp.Bến Cát).
Theo đó tại khu vực trên sẽ xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Khi cảng hoàn thành sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín, giảm chi phí logistic và thúc đẩy liên kết với các vùng Đông Nam bộ như Tp.HCM - Đồng Nai thông qua các tuyến đường sông, đường vành đai.
Ngoài ra, hiện nay tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 3, Tp.HCM, Vành đai 4, Tp.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh; dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, các tuyến đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết: "Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương và ngành công thương luôn chú trọng phát triển lĩnh vực logistic, để có sự phát triển bền vững.
Tỉnh Bình Dương đã chuẩn bị nhiều kế hoạch, giới thiệu sản phẩm về công nghệ tiên tiến, đưa ra các giải pháp cho những vấn đề về kho bãi, tự động hóa…. Qua đó, thúc đẩy hệ thống logistics phát triển hiện đại phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong khu vực".
"Bình Dương đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng giao thông, các tuyến đường huyết mạch nối liên kết vùng đến sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải hay một số tuyến cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… trong suốt quá trình phát triển giao thông sẽ được đa dạng hóa từ đường sắt, đường bộ, đường thuỷ… nhằm hoàn thiện chuỗi logistics phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ", đại diện Sở Công thương chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh thu hút công nghiệp nằm trong top của cả nước. Dù không có sân bay, nhưng do vị trí địa lý giáp ranh với Tp.HCM có đường bộ, đường sông dọc theo hướng cảng Cát Lái và đi Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) nên lượng hàng hóa lưu thông qua lại về tỉnh này rất lớn.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng có lợi thế ga tàu lửa Sóng Thần (Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ga trung tâm kết nối vận chuyển hàng hóa của vùng. Đây cũng là ga vận tải những chuyến hàng đi thẳng tới cửa khẩu biên giới với nước bạn Trung Quốc.
Logistics ứng dụng công nghệ, xanh hóa quy trình chuỗi cung ứng
Có thể nhận thấy, dịch vụ logistics tại Bình Dương hiện nay đang mang đầy triển vọng, hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc Bình Dương thúc đẩy phát triển hạ tầng nhằm phục vụ đáp ứng vận hành trong lĩnh vực logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, khuyến khích ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chia sẻ với PV, ông Phan Huy Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận chuyển Quốc tế Phan Trí Express cho rằng: "Hiện nay ngoài việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng nước, cảng cạn… thì cơ quan quản lý về logistics cần tích hợp cảng và logistics cùng ứng dụng kết hợp hệ sinh thái số. Khai thác tối đa hơn vận tải đường thuỷ, vận tải xanh để tạo điều kiện cho khách hàng ngoài ra áp dụng nhiều hơn công nghệ 4.0 thực hiện thủ tục nhanh chóng để mọi quy trình thông suốt".
"Hiện nay, việc chuyển đổi logistics xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cấp bách trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong đó những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều hạn chế về logistics xanh và sự bền vững lâu dài.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng, doanh nghiệp lớn, nhà sản xuất cần đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như ngắn gọn hóa quy trình thủ tục, hạn chế các phương tiện ra vào cảng quá đông dẫn tới tình trạng ùn tắc tăng ô nhiễm môi trường, tăng chi phí ở nhiều khâu... hoặc có nhiều cụm cảng, vận tải gần các khu công nghiệp, công ty để hàng hóa tới sớm hơn", ông Lâm chia sẻ.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết: "Bình Dương xem logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh nên cơ quan chức năng luôn hướng tới việc Bình Dương sẽ đóng vai trong việc kết nối giữa hàng hóa đi đến tỉnh Bình Dương và từ Bình Dương đi các tỉnh. Trong đó, việc vận chuyển hàng hóa bằng ga đường sắt cũng là một kỳ vọng lớn của ngành logistics trong thời gian tới".
"Hiện nay chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp đặc biệt những thành viên trong Hiệp hội logistic. Một trong những điểm rất tốt mà Hiệp hội nhận thấy chính là công tác chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của doanh nghiệp trong thời gian qua rất nhanh, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển… Đây là bước đệm rất quan trọng để đón sóng đầu tư, thúc đẩy dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là ngành logistics", bà Thái Linh chia sẻ.
Cũng theo bà Linh, hiện nay Hiệp hội Logistics Bình Dương đang phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trong công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2025, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành logistics, đang bám sát quy hoạch phát triển ngành logistics của cả nước.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp có năng lực về hoạt động logistics đến đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch.
Thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp phát triển logistics
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn.
Có 3 cảng (CDI, cảng cạn) và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS phục vụ hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.
Thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng việc phát triển hạ tầng thương mại phục vụ phát triển đô thị và dân sinh. Xây dựng dự án phức hợp khu văn hóa thương mại dịch vụ - nhà ga trung tâm A1 nằm ngay vòng xoay trung tâm thành phố mới Bình Dương, liền kề với Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Bình Dương nhằm tạo ra tính kết nối và giúp hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước phát triển thương mại quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một điểm đến năng động, đa dạng về dịch vụ, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng phát triển đến thương mại toàn cầu đồng thời tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực.