Tần suất xuất hiện hình ảnh Việt Nam trên những kênh truyền hình lớn của thế giới khá đều đặn. Tuy nhiên hiệu quả từ những chiến dịch quảng cáo này như thế nào?
Trước đó, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới cũng thường xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) thực hiện. Cụ thể năm 2007, bộ này đã chi 300.000 USD để hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong clip phát 30 giây mỗi ngày, liên tục 3 tháng trên kênh CNN.
Đầu năm 2008, kênh truyền hình chuyên về thời trang FTV (Pháp) cũng phát sóng giới thiệu du lịch Việt Nam với điểm nhấn là du lịch biển, vịnh Hạ Long với độ dài clip khoảng 15 giây chiếu liên tục 6 lần/ngày, trong hai tuần liên tiếp.
Năm 2009, Bộ VH,TT&DL tiếp tục chi 200.000 USD để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh BBC TV trong 8 tuần ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 6 tuần ở châu Âu, Bắc Mỹ với tổng cộng 429 lần phát sóng. Năm 2010, hình ảnh Việt Nam tiếp tục được quảng bá trên CNN và tiếp tục xuất hiện trên kênh Discovery khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2011.
Như vậy là tần suất xuất hiện hình ảnh Việt Nam trên những kênh truyền hình lớn của thế giới khá đều đặn. Tuy nhiên hiệu quả của những lần quảng bá này như thế nào? Chúng ta có đánh giá được hiệu quả hay không? Và liệu Hà Nội học tập được những kinh nghiệm gì từ những chiến dịch quảng cáo trước đó? Để có cái nhìn đa chiều hơn, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực này.
Không nên tập trung quảng bá phong cảnh?
Chị Tẩn Thị Shu, Giám đốc Sapa O'Chau, người được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016 cho biết: "Sau một thời gian gắn bó với du lịch, tôi thấy điều quan trọng nhất để giữ chân du khách và quyết định việc du khách có quay lại với chúng ta hay không phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người.
Du lịch trải nghiệm văn hóa mới thực sự đưa hình ảnh một vùng đất nào đó in sâu vào tâm trí của du khách và lúc đó, mỗi du khách chính là một kênh quảng bá tuyệt vời nhất. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta không nên tập trung quảng bá về phong cảnh thiên nhiên nữa. Cảnh thì mỗi nơi một vẻ nhưng điều hấp dẫn người ta là văn hóa đậm chất bản địa và mang biểu tượng riêng biệt của cộng đồng người, ở một vùng đất nhất định. Đó mới là cách truyền thông tuyệt vời nhất”.
Nên kết hợp nhiều kiểu truyền thông
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc công ty Hanoi Redtours nhận định: “Chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh và hiệu quả truyền thông mà mạng xã hội đem lại. Nhưng giữa mạng xã hội và kênh truyền hình có những điểm đặc thù riêng biệt. Mạng xã hội thì sức lan tỏa nhanh còn kênh truyền hình nổi tiếng lại có độ chính xác và uy tín. Vả lại đâu phải tất cả người dân đều sử dụng mạng xã hội.
Tôi thấy những người ở độ tuổi trung niên trở lên đều khá khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ trong khi chính đối tượng khách hàng này mới có tiềm lực về tài chính để đi du lịch. Tôi cho rằng, bên cạnh việc tự nâng cao hình ảnh du lịch của đất nước thì chúng ta nên đa dạng hóa và hết hợp nhiều kiểu truyền thông khác nhau. Có đối tượng phù hợp với cách truyền thông qua mạng xã hội, có đội tượng phù hợp với cách truyền thông qua truyền hình ... Vì thế không nên quá tập trung cái này mà bỏ lửng cái kia. Mỗi cách đều có lợi thế riêng".
Quảng cáo đẹp nhưng thực tế ko đẹp thì vô ích!
Ông Vũ Thế Long, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội chia sẻ: "Bản thân khán giả truyền hình khi xem quảng cáo luôn đặt ra câu hỏi là nội dung quảng cáo đó có chính xác không? Quảng cáo du lịch cũng vậy thôi. Tôi không phản đối chủ trương nhờ đơn vị truyền thông nước ngoài quảng bá hình ảnh Việt Nam nhưng tôi nghĩ mình phải đặt ra câu hỏi: quảng bá thế nào? nội dung ra làm sao, vì mục đích gì? …
Dù quảng bá hình ảnh Việt Nam có đẹp bao nhiêu đi chăng nữa nhưng thực tế lại không đẹp thì mọi chuyện đều vô ích cả. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào phát triển nội lực để hình ảnh, giá trị du lịch của đất nước ngày càng đẹp lên trong mắt du khách. Nếu một cô gái thực sự đẹp thì không cần phải quảng bá, nhiều người vẫn biết tiếng và tìm đến. Làm du lịch ở ta cũng cần phải hướng tới điều tương tự như vậy".
Phải đánh giá được hiệu quả của những chiến dịch quảng cáo
Báo Thanh Niên từng dẫn một số liệu khảo sát đáng chú ý của Diễn đàn kinh tế Việt Nam vào năm 2011. Theo đó, diễn đàn này khảo sát gần 200 khách du lịch đến từ nhiều châu lục khác nhau và kết quả cho thấy, 77% du khách chưa từng xem thông tin về du lịch Việt Nam thông qua các kênh truyền thông, quảng bá hoặc hội chợ du lịch; 93% du khách chưa từng xem quảng cáo du lịch Việt Nam trên BBC và CNN.
Con số trên tuy chưa phản ánh được chính xác hiệu quả của việc quảng bá du lịch qua truyền thông nhưng nó đã nói lên được nhiều điều. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng cho rằng, muốn phát huy được hiệu quả truyền thông thì chúng ta phải đánh giá được tác động của nó lên khán giả để qua đó có những điều chỉnh phù hợp.
L. Cường - P. Thiệu