Tâm lý hứng khởi trong phiên sáng bị dập tắt vào phiên chiều, VN-Index rơi xuống dưới tham chiếu, sắc đỏ cũng dần chiếm thế trên bảng điện tử. Trong khi đó, cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vẫn tăng 3,58% lên 69.400 đồng/cổ phiếu.
Sau thời gian rơi tự do từ vùng đỉnh 110.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6-7 năm nay, cổ phiếu này đã "im hơi lặng tiếng" cho đến phiên 9/10 bất ngờ tăng mạnh.
Đà tăng này đưa vốn hoá của Viettel Global chạm mốc 212.150 tỷ đồng, vượt qua hàng loạt tên tuổi khác như FPT (200.000 tỷ đồng), VHM (197.000 tỷ đồng), CTG (193.500 tỷ đồng), HPG (173.000 tỷ đồng), TCB, GAS, VIC, VPB,…
Tuy nhiên, so với vùng đỉnh gần nhất thì thị giá VGI đã giảm tới 35%. Thời điểm đó, giá trị vốn hoá của Viettel Global "chễm chệ" đứng thứ 2 sàn chứng khoán, chỉ sau VCB. Còn so với hồi đầu năm, thị giá VGI đã tăng gấp 2,7 lần, từ vùng 26.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện chưa rõ động lực cho đà tăng của cổ phiếu VGI trong những phiên gần đây, nhưng kết quả kinh doanh của Viettel Global đang khá khởi sắc.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần 16.593 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Cấn trừ đi các loại phí và thuế, Viettel Global báo lãi hơn 2.855 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lỗ 625,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra một số ý kiến ngoại trừ và giải đáp nguyên nhân vì sao kế hoạch niêm yết cổ phiếu VGI lên sàn HoSE vẫn chưa thực hiện được.
Cụ thể, các khoản nợ xấu của Viettel Global tại ngày cuối năm 2023 đã ở mức gần 18.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ sau một năm. Trong khi đó, giá trị có thể thu hồi chỉ chưa đến 4.300 tỷ đồng.
Vì thế, Viettel Global phải dự phòng đến hơn 13.900 tỷ đồng đối với các khoản nợ này, tăng mạnh hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương gần 48%) so với đầu năm. Cùng chiều với dự phòng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng nhưng tỉ trọng không lớn trong tổng tài sản.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các khoản phải thu liên quan đến Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) với tổng số tiền gần 8.700 tỷ đồng. Trong năm 2023, tổng công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản phải thu VCR vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với số tiền là 1.918 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại ngày lập báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc đánh giá giá trị có thể thu hồi làm cơ sở để ghi nhận chi phí dự phòng còn lại này vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023.
Về triển vọng cổ phiếu VGI, Chứng khoán ABS đánh giá với lợi thế có 7/10 công ty thị trường đứng top 1 thị phần ở các mảng di động, Viettel Global sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới và các quốc gia đang phát triển khác.
Tuy nhiên, dịch vụ viễn thông truyền thống đã dần bão hòa và mức độ thâm nhập viễn thông tại nhiều quốc gia đang bắt đầu đạt đến ngưỡng.
Do đó, việc thực hiện chiến lược đầu tư mới của Viettel Global là chuyển dịch dần sang dịch vụ số KHDN, dịch vụ số KHCN và Tài chính điện tử sẽ là nước đi giúp tổng công ty nâng cao vị thế, tiếp tục phát triển hiệu quả hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành Viễn thông thế giới.
Hiện công ty có 7 thương hiệu viễn thông tại các nước sở tại gồm Movitel (Mozambique), Lumitel (Burundi), Telemor (Đông Timor), Metfone (Campuchia), Mytel (Myanmar), Unitel (Lào) và Natcom (Haiti).