Cụ thể, ngày 3/3, tập thể cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc đã có thư kiến nghị lên Chính phủ về việc khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở này vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19.
Thư kiến nghị nêu rõ, hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và trong tương lai gần có thể vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp. Đối mặt tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, đại diện các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn quốc cho biết, hoàn toàn đồng cảm và ủng hộ các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nghiêm túc thực hiện các các quyết định tạm đóng cửa các cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, hậu quả của dịch COVID-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc. Theo thống kê từ báo chí trước đó chỉ ra, khi có suy giảm và khủng hoảng như thế này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản, sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam, thậm chí đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế.
Trước những khó khăn và diễn biến bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, các cơ sở giáo dục ngoài công lập khẩn thiết đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Cụ thể, trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên. Các trường học, trung tâm giáo dục sẽ cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn, phòng chống dịch bệnh theo đúng yêu cầu của các cấp chính quyền.
Đối với các trường phổ thông dân lập, đề nghị cho phép học sinh được đi học như các trường phổ thông quốc tế bộ GD&ĐT đã đồng ý cho mở cửa lại.
Bên cạnh đó, xem xét miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội. Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đồng thời, công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến, đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Đây cũng chính là cách để số hoá nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.
Cuối cùng, do dễ bị tổn thương và tác động tức thì trong thời gian này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, đồng thời, giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng, để có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này...