Ngày 19/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều, là những phẩm chất đạo đức cơ bản cần có và cần được thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, bao gồm 6 điều vừa được VCCI công bố bao gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Giải thích về ý nghĩa của Bộ quy tắc, ông Phạm Tấn Công cho biết hai quy tắc đầu tiên là tạo giá trị kinh tế cho xã hội và tuân thủ pháp luật là nhằm đảm bảo tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp; quy tắc minh bạch, công bằng, liêm chính và sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh và sự tương tác với các đối tác.
Cuối cùng là quy tắc tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường và yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường với tổ quốc và gia đình, xã hội.
Bộ quy tắc đạo đức doanh nhân hướng tới mục đích nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức; lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao; cùng với đó là củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Theo Chủ tịch VCCI, từ khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 ra đời, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Cả nước hiện có 850.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh cùng hàng triệu doanh nhân.
Từ năm 1991 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 188 USD lên 3680 USD, tương đương khoảng gần 20 lần. Đại đai số doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vươn lên vượt khó khăn, thách thức để hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Song, vẫn tồn tại một số doanh nghiệp, doanh nhân có nhận thức chưa đúng đắn, có những vụ việc vi phạm đạo đức, văn hóa truyền thống và quy định pháp luật; từ đó dẫn tới có không ít tên tuổi doanh nhân bị truy xét về các sai phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh của đội ngũ doanh nhân.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, việc VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành là việc làm rất quan trọng, kịp thời và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, việc VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành trong hội viên và cộng đồng doanh nhân cả nước là rất quan trọng, kịp thời và cần thiết”, nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho biết.
Bà Phạm Chi Lan cho biết với việc có những phẩm chất đạo đức chung, thống nhất được việc triển khai trong đội ngũ doanh nhân sẽ không chỉ phát huy những giá trị truyền thống dân tộc mà còn tạo thêm những giá trị thặng dư khác, tạo nên sức mạnh mềm, uy tín và lợi thế trong hoạt động kinh doanh.
VCCI hiện có trên 200.000 doanh nghiệp hội viên và gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ quy tắc đạo đức sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cho biết, hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên của tỉnh Thái Bình cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ, sâu rộng Bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong các hoạt động sản xuất kinh doanh tới đây.
Ông mong rằng, với bộ quy tắc này, doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ dần khắc phục những vấn đề nội tại và hạn chế được các hiện tượng tiêu cực trong giới doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời tạo thêm động lực thúc đẩy để cộng đồng doanh nghiệp vươn xa hơn, "bay" cao hơn và đạt tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra...