Thứ trưởng bộ GĐ&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, 7/87 trường được kiểm tra có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 50 người. Đó là các trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường ĐH Thành Đông, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội…
Trong khi đó, nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn cao hoặc rất cao và đứng đầu trong danh sách đen này là các trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội…
108 ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ không có tiến sĩ đúng ngành, 120 ngành không đủ tiến sĩ và thạc sĩ đúng quy định.
Đặc biệt là 4/87 trường được kiểm tra chưa có đất như đã cam kết.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học, cao đẳng; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 08 trường đại học, cao đẳng. Đến nay, một số trường đã khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh và được tuyển sinh trở lại.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đổi mới quản lý giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo triển khai chậm, thiếu quyết liệt; việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức; công tác quản lý ở một số trường chưa thực hiện đúng quy định, đã xuất hiện sự yếu kém nên dẫn đến khiếu kiện, tố cáo gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên và dư luận xã hội.
Bên cạnh đó việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm như: xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế; liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo sai quy định, bất chấp các quy định quản lý nhà nước về giáo dục đại học như trường ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM; Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên; CĐ Tài chính Hải quan, CĐ ASEAN…
Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình. Chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga (Ảnh: Phan Chính)
Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, cho rằng việc đổi mới quản lý giáo dục đại học là nhu cầu tự thân để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên với việc đảm bảo cân đối ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng còn nhiều mâu thuẫn. Các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến chất lượng thực sự của kỹ sư mà mới chỉ quan tâm đến bằng cấp dẫn tới việc nâng cao chất lượng đào tạo còn khó khăn. Thêm nữa, kinh phí dành cho nâng cấp, bổ sung trang thiết bị thí nghiệm, thực hành phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn rất khiêm tốn, phần nào ảnh hưởng công tác giảng dạy.
“Nhà nước và Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhà giáo, tạo điều kiện để các trường ĐH có thể thu hút được những người giỏi về làm giảng viên; tiếp tục việc phân cấp cho các trường. Thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn nữa đối với các trường, đi đối với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo” – ông Sử kiến nghị.
Trở lại với vấn đề trên, thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Việc đổi mới quản lý giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo triển khai chậm, thiếu quyết liệt. Việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức. Công tác quản lý ở một số trường chưa thực hiện đúng quy định, đã xuất hiện sự yếu kém nên dẫn đến khiếu kiện, tố cáo gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên và dư luận xã hội”.
Do vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tổ chức thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; rà soát và hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiêp, các trường ĐH, CĐ đã tập trung đào tạo cho các ngành: Công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, xây dựng và giao thông, tài chính - ngân hàng, du lịch, chế biến thực phẩm…Sự hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp là một khâu không thể thiếu trong quá trình hoạt động đào tạo nên được các trường xem như là một phương thức, là mục tiêu giúp cho sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành, hỗ trợ cho sinh viên thực tập và đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên. Một số trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Hàng hải, ĐH Đà Nẵng… đã làm tốt công tác này. Theo thống kê, đã có 392/420 trường ĐH, CĐ (đạt tỷ lệ 93,3%) xây dựng cam kết chất lượng đào tạo. Đến tháng 8/2012 đã có 139 trường ĐH và 98 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá (đạt tỷ lệ 50%). 159 trường ĐH, 145 trường CĐ có đơn vị chuyên trách đảm bảo chất lượng. 182 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nâng cao kiến thức quản lý và quản trị ĐH. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo các trường ĐH, CĐ làm tốt công tác tự đánh giá, thực hiện cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên kết quả đánh giá. Bộ GD-ĐT thừa nhận, tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ ở một số trường còn chậm, thiếu quyết liệt và còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức. |
Nguyễn An