"Bí kíp" chăm sóc hoa bằng... "thuốc độc"
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (chuyên chăm sóc hoa thuê ở Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội - PV) cho biết, chăm sóc hoa phải đảm bảo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Người trồng hoa phải theo dõi từng nụ hoa để chăm sóc, phun thuốc cho hoa nở đúng dịp. Tôi gặng hỏi tên thuốc, chị Nguyệt ậm ừ: "Trồng hoa phụ thuộc rất nhiều vào các loại thuốc. Cây bị bệnh gì thì có loại thuốc đặc trị tương ứng, bệnh nặng thì tăng liều". Theo như lời chị Nguyệt, định kỳ hàng tuần, người dân phải phun thuốc trừ sâu cho hoa hồng, dùng thuốc chống cháy lá cho các loài hoa khác hoặc tiêm trực tiếp thuốc lên cành để kích thích hoa phát triển hoặc giữ cho nụ không nở.
Tại các hàng hoa ở Hà Nội, loài hoa chủ đạo được trồng là hoa hồng. Bởi lẽ, hoa hồng là giống cây thu hoạch lâu năm. Nếu chăm sóc, thu hoạch đúng kĩ thuật, những khóm hồng này có thể giữ được hơn chục năm. Tuy nhiên, hoa hồng cũng là loài hoa dễ bị sâu bệnh nên người trồng hoa từ khâu chăm sóc đến thu hoạch đều phải rất nghiêm ngặt.
Theo quan sát của chúng tôi, trên nhiều ruộng hoa hồng ở Mê Linh, Tây Tựu, các chất bảo vệ thực vật được phun nhiều đến nỗi đọng trắng trên các phiến lá, nhiều vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật nằm la liệt trên các thửa ruộng như: Mopride, Sherpa, Vertimec, Daconie, Dipomate. Cũng theo tìm hiểu của PV, danh mục các loại thuốc trừ sâu mà người trồng hoa vẫn sử dụng đều là những loại thuốc được cảnh báo là cực độc.
Nếu phun thuốc trừ sâu cho hoa không đủ thời gian cách ly sẽ gây hại cho sức khoẻ con người
Trong quá trình tiếp xúc với những người nông dân trồng hoa ở Mê Linh, tôi được anh Quách Quang Th. (thôn Hạ Lôi) bật mí: "Cứ 3 ngày anh lại phun thuốc cho vườn hồng một lần để ngăn ngừa sâu bệnh cho hoa". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, người trồng hoa vùng Tây Tựu, Mê Linh không phun thuốc theo đúng chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông (ba lần/tháng/đối với hoa hồng-PV) mà họ vô tư phun lên những luống hoa của mình. Ngày mai mang hoa đi bán, hôm nay nhiều hộ vẫn cho phun thuốc lên hoa.
Lãng mạn..."đặt cược" tính mạng!
Trước thực trạng người nông dân sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu như một "bí kíp" chăm sóc hoa, BS. Nguyễn Trung Nguyên- trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: "Hàng năm, số lượng người nhập viện do bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật khá lớn, có những người phụ nữ bị ung thư phổi do hít phải những chất độc dạng như: DDT, Endrin, Diedrin có trong thuốc trừ sâu được phun ở các vựa hoa, rau quả. Đây là những loại thuốc cực độc bị cấm sử dụng tại Việt Nam".
BS. Nguyên khuyến cáo, những người lãng mạn thích cắm hoa trong phòng ngủ cũng nên từ bỏ thói quen này. Vì, ngay cả khi đã ngừng phun thuốc một thời gian thì tác hại của thuốc lên hoa vẫn còn vì cây hút chất dinh dưỡng từ đất bị ngấm thuốc lên. Người bình thường khi ngửi phải không thể nhận biết được, nhưng các chất này đều có khả năng gây bệnh. Hít phải nhiều ngay lập tức sẽ gây kích thích đường hô hấp, gây nên viêm đường hô hấp, ho... Nguy hiểm hơn, các chất này có khả năng tích luỹ trong cơ thể và khi tích luỹ lâu dài nó có thể gây nên các bệnh liên quan đến di truyền như: Đột biến gen, gây ung thư...
TS. vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: "Dựa vào các nguyên tắc khoa học, người dân nên hạn chế cắm nhiều hoa trong phòng ngủ, phòng kín, bởi không chỉ nguy cơ ngộ độc thuốc trừ sâu mà còn ảnh hưởng bởi hương và phấn hoa, nhất là người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng. Nên bỏ thói quen như ăn cánh hoa, làm mứt hoa, ngửi hoa hay giã nhỏ lấy nước làm kem dưỡng da…, để tránh rước họa vào thân".
Những "mầm bệnh" được... gieo
Các chuyên gia cảnh báo, việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ để chăm sóc hoa, "hãm" cho hoa nở theo ý muốn... cũng chính là tự tay gieo "mầm bệnh" cho bản thân người trồng hoa cũng như người chơi hoa.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Văn Khải, nhiều năm qua, trên thị trường bày bán hoa quả cũng ngâm tẩm hóa chất để giữ tươi lâu và các loại hoa cũng được "hãm" bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Về nguyên tắc, hoa nở theo lứa, người trồng hoa phải hái dù họ mới phun thuốc trừ sâu vào trước đó một ngày, thậm chí là ngay trong ngày hôm ấy. Do đó sự tồn đọng thuốc trên hoa là điều khó tránh khỏi. Điều đáng nói, chất cơ clo trong nhiều loại thuốc sử dụng để phun cho hoa được ghi nhận tại các làng hoa thường có độ độc cao, thời gian bán phân hủy trong môi trường rất lâu. Chỉ cần ngấm hàm lượng thấp, qua thời gian tiếp xúc nhiều lần, nó sẽ tích lũy dần là đã có thể gây độc. Hàm lượng này được tích lũy lâu dài trong cơ thể người, rất khó đào thải ra môi trường, vì thế càng lâu càng gây độc.
Năm 2011 đã có công trình nghiên cứu khoa học đánh giá về sự tồn dư của chất bảo vệ thực vật trong môi trường vùng trồng hoa ở xã Tây Tựu do PGS.TS Lê Văn Thiện (chuyên gia về hoá nông nghiệp, khoa môi trường, đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) làm chủ nhiệm. Công trình nghiên cứu đó đã chỉ ra một hàm lượng đáng kể của các chất bảo vệ thực vật bị cấm như: DDT, Endrin, BHC, Diedrin... đã có trong các mẫu đất ở Tây Tựu và vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam về dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất. Điều đáng nói, khả năng phân huỷ các hoạt chất clo như DDT, Endrin... trong môi trường xảy ra rất chậm, khoảng 3-5 năm, tuy nhiên trên thực tế thời gian phân huỷ có thể còn dài hơn do phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố môi trường và nồng độ của chúng".
TS. Nguyễn Kiều Băng Tâm- khoa Môi trường (đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội)- một trong những thành viên của công trình nghiên cứu cho hay: "Tại thời điểm chúng tôi làm đề tài, các mẫu kim loại đều vượt ngưỡng cho phép lên đến hàng chục lần, nhất là tại các mẫu đất trồng hoa hồng, hoa cúc. Đặc biệt dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhóm cơ clo hữu cơ trong đất trồng hoa hồng cũng có dấu hiệu tích lũy. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Tây Tựu có thể gây bệnh ung thư, làm tổn thương bộ máy di truyền, gây vô sinh ở nam và nữ, làm giảm khả năng kháng thể, mắc bệnh thần kinh, giảm trí nhớ, bệnh tâm thần. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, có thể dẫn đến thiếu oxy trong máu, giảm trí thông minh…".
Đảm bảo thời gian cách ly Có loại thuốc bảo vệ thực vật độc tính cao nhưng lại phân giải nhanh như nhóm lân hữu cơ, nitơ hữu cơ... Người dân chỉ cần ngửi hoặc tiếp xúc trực tiếp đã có thể cảm nhận được mùi, hoặc có dị ứng. Tức là khi tiếp xúc có thể thấy ngay hậu quả, nhưng chúng lại phân hủy nhanh nên chỉ cần đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch là có thể tránh được những tác hại không cần thiết đối với cơ thể. |
5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất Theo điều tra của cục Y tế Dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong. |
N.P.V