Dư luận đang xôn xao trước một văn bản được cho là của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thị Thủy – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo xác nhận văn bản trên là của doanh nghiệp này, và cho biết đây là kế hoạch “tâm huyết” của ban lãnh đạo Công ty Gia Bảo.
Bà Thủy cho hay đây đã là công văn thứ ba được gửi, song Công ty Gia Bảo vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào.
Theo văn bản này, công ty Gia Bảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp này làm chủ đầu tư thực hiện Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên) theo hợp đồng BT phần vốn đối ứng 15% của Việt Nam và giao cho Công ty Kiểm toán Deloitte hoặc Tổng công ty Đường sắt giám sát thực hiện.
Công ty Gia Bảo dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2020, trong đó từ tháng 8 – 12/2017 giải phóng mặt bằng khu đất Ga Ngọc Hồi mới và Ga Yên Viên; Từ tháng 10/2017 – 3/2018 san lấp mặt bằng và xây dựng nhà Ga Ngọc Hồi mới phần nhà ga hành khách (1.000 m2), ga hàng hóa (2.000 m2) và hệ thống đường ray khổ 1m vào ga Ngọc Hồi, xây dựng ga hành khách Yên Viên (1.000 m2) do công ty Nhật Bản đảm nhận.
Giai đoạn tiếp theo, từ tháng 3 – 8/2018, xây dựng ga đường sắt trên cao và hệ thống đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Giáp Bát; chuyển ga hành khách Bắc Nam từ Ga Hà Nội và ga hàng Giáp Bát về Ga Ngọc Hồi; hoàn thiện các hạng mục của Ga Ngọc Hồi; giải phóng mặt bằng và xây dựng đường sắt trên cao từ Cầu Long Biên 2 tới Ga Gia Lâm.
Từ tháng 1/2019 – 4/2020, xây dựng đường sắt trên cao từ ga Giáp Bát tới Ga Hà Nội và tới Cầu Long Biên 2; Xây dựng đường sắt trên cao từ Ga Gia Lâm tới Ga Yên Viên.
Giai đoạn từ tháng 3/2018 – tháng 8/2020 tiến hành xây dựng Cầu Long Biên 2 và từ tháng 4 – 10/2020 lắp đặt hệ thống tàu điện, chạy thử và chạy chính thức.
Công ty Gia Bảo đề nghị được thực hiện dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và cam kết chỉ giữ lại 9% lợi nhuận bao gồm cả lãi vay.
Trong công văn ngày 22/8, Công ty Gia Bảo cho biết Văn phòng Chính phủ đã chuyển đề xuất của doanh nghiệp này đến Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, xử lý.
Tuyến đường sắt trên cao số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ đầu năm 2004 và được khởi công từ năm 2007 nhưng liên tục bị đình trệ.
Theo Quyết định 519/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 31/3/2016, Tuyến đường sắt trên cao số 1 gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi – Ga trung tâm Hà Nội – Gia Lâm – Yên Viên thực hiện từ năm 2016 – 2020 và Gia Lâm – Dương Xá (Phú Thụy) triển khai trong giai đoạn 2020 - 2030. Chiều dài toàn tuyến 36km, tổng số ga được bố trí là 23 ga và 2 đề pô tại Ngọc Hồi và Yên Viên.
Tổng mức đầu tư giai đoạn I đoạn Giáp Bát – Gia Lâm có chiều dài 15,36km và tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85km là 19.460 tỷ đồng, tổng mức đầu tư giai đoạn 2a đoạn từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,65km là 24.825 tỷ đồng. Phần lớn là vốn vay ODA của Nhật Bản.
Nghi Điền